Sau khi bị đàn em bán đứng và sa lưới pháp luật, Nguyễn Lan Hương (còn gọi là Hương “bộ đội”, SN 1972, ngụ tại Hải Phòng) đã thực sự rơi vào “hố đen” khi không còn chỗ bấu víu, cảm thấy chán ghét cuộc đời và nhiều lần muốn tìm đến cái chết. Nhưng rồi, trong lúc ở trong tù, tâm thế sẵn sàng đối mặt với bản án cao nhất, Hương bất ngờ nhận được túi quà tiếp tế của bố. Túi quà đó dù nhỏ, nhưng là thứ khiến Hương phải rơi nước mắt, bởi đó là minh chứng rằng trên đời này vẫn còn người nhớ, còn người quan tâm đến người con gái bạc mệnh này…
Một sáng tác của Khánh Tùng.
Những bức thư của con như tiếp thêm nghị lực cho Hương chờ đến ngày được trở về
Rồi tới ngày phiên tòa định mệnh chẳng ai muốn cũng phải bắt đầu. Cuộc đời nó vốn học được chữ cam chịu ngay từ bước chân vào vũng lầy số phận. Và tại nơi đó đã nhào nặn, để lại cho nó một tâm thế lạnh lùng tới vô cảm. Nó bước đến phiên tòa đó dường như cuộc đời đã được lập trình sẵn, đã đến lúc kết thúc trò chơi của cuộc đời.
Trong cái lạnh giá tới từ vẻ bề ngoài, sau cái vỏ bọc đấy có một hy vọng mong manh. Nhưng đó không phải hy vọng cuộc sống tiếp diễn, mà nó đến từ mong mỏi được một lần nữa gặp lại những người thân trong gia đình. Nó muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay, ký ức cuối cùng còn lại của mình sẽ trọn vẹn hình ảnh những người thân trong gia đình, để nếu có một khởi đầu mới nó vẫn có thể nhận biết và đến làm con, làm mẹ ở nơi đó.
Suy nghĩ chỉ cần vậy thôi của nó lại hoàn toàn trái ngược khi tới sân tòa, những ánh mắt chạm vào nhau. Với bề ngoài đã bị thay đổi vì cuộc sống, những người thân có mặt tại đó chẳng thể nhận ra nó. Họ nhìn nó với ánh mắt ngờ ngợ, lạ lẫm cho tới khi nó gào lên gọi tên họ. Có bà, có cha, có cả đứa em trai quay lại nhìn và cùng lao tới, trao cho nó những cái ôm như muốn truyền một chút hơi ấm gia đình vào thân xác nó. Nhìn đứa con mình rứt ruột đẻ ra đang tung tăng cạnh bồn hoa gần đó, nước mắt nó lại làm nhòe khung cảnh trước mặt. Ánh mắt ngây thơ, lạ lẫm đó ngước nhìn như lưỡi dao sắc nhọn cửa sâu vào trái tim nó, chẳng thể trách đứa trẻ không chào đón mẹ mình, bởi đứa bé đã bị bỏ rơi từ lúc đỏ hỏn chẳng một chút nhận thức, hay mảy may kí ức đến hơi ấm của mẹ. Trong ký ức của đứa bé, người bà hàng ngày chăm bẵm, nuôi lớn mình chính là người mẹ.
Nó tự hỏi sau này đứa trẻ đó lớn lên, thì biết hết tất cả sự thật về mẹ mình nó sẽ nghĩ ra sao và liệu điều đó có làm ảnh hưởng tới cảm nhận và cuộc sống của nó sau này. Và rồi nó có oán trách người đã sinh ra nó trên cuộc đời hay không. Nó chợt cảm thấy, nếu sau phiên tòa nó ra đi về miền cực lạc, khi đó chẳng còn nhận thức gì, thì chẳng còn suy nghĩ để đau khổ hay buồn bã nữa. Với bản thân thì có thể là một lựa chọn tốt nhất, nhưng với tâm can, nó cảm thấy đó là một sự vô trách nhiệm tới khốn nạn.
Dòng suy tư chợt đến chạm vào nơi nào đó trong đầu nó, mang lại cho nó một cảm giác hối hận. Hai dòng nước mắt chảy thành hàng trên khuôn mặt, từng giọt, từng giọt lăn qua gò má, chơi vơi giữa không trung rồi biến mất nơi lòng đất, mang theo từng dòng suy nghĩ hối hận muộn màng của nó tan vào tinh không. Một chút khát khao sống nảy mầm trong mảnh đất hoang tàn. Nó bảo: “Đã rất lâu rồi, tâm hồn mới có được chút cảm xúc của người đàn bà thực thụ ấy”.
Với hàng loạt hành vi phạm pháp bị phanh phui, phiên tòa diễn ra lâu hơn thường lệ. Người ta nói, nó chỉ biết cúi đầu trong im lặng. Mọi sự thật bị lột trần, bị đưa ra ánh sáng, nó như cầm thú mà xung quanh toàn những ánh mắt sắc nhọn chĩa vào. Chẳng biết cái sự máu lạnh ban đầu của nó đã chạy biến đâu mất. Một loạt tội danh được đưa ra, mà tội nào cũng đủ để tước bỏ cuộc sống của nó vĩnh viễn chứ chưa cần tính thêm món nợ pháp luật khi xưa mà nó đã chạy trốn.
Lời sau cùng nó nói: “Tôi biết mình đã sai và giờ có nói gì cũng chẳng thể cứu vãn nổi. Vậy nhưng nếu cuộc đời còn có một cơ may, tôi vẫn hy vọng được sống, để có cơ hội làm lại để gặp lại gia đình mình”. Có lẽ thế là đủ, để cho tất cả mọi người tại phiên tòa hôm đó còn nhận thấy một chút lương thiện tồn tại trong con người máu lạnh như nó. Vậy nhưng, một chút lương thiện khởi phát ấy chẳng thể đủ cho những người hành pháp nhận ra nó còn có thể cải hóa được để quay lại làm người. Với tất cả những hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra, nó phải nhận bản án cao nhất là tử hình. Tâm lý dù đã sẵn sàng đón nhận, vậy nhưng khi phải bước qua gia đình mình để trở lại chỗ mà xã hội dành riêng cho những người như nó, đôi chân nó vẫn run rẩy như vô lực, như muốn ngã khụy, phải nhờ những cánh tay áp giải kéo đi. Khi đó, nó đã quên một thứ, đó là một lời xin lỗi tới gia đình mình.
Sau khi lĩnh án tử hình, Hương gần như tuyệt vọng, suy sụp
Những ngày tháng tiếp theo, nó được đưa đến khu cách ly đặc biệt, chuyên dùng để giam giữ những tử tù. Nơi mà nó gọi là “nơi tiễn biệt người chết”. Với nữ tử tù, pháp luật vẫn luôn có những ưu ái đặc biệt, không bị cùm chân như phạm nhân nam. Dù không phải chịu thêm chế tài đặc biệt đó nhưng cuộc sống của nó khi đó vốn cũng đã như cái xác không hồn. Một mình trong căn phòng trống tĩnh lặng, kín bưng, thời gian trôi đi trong vô vọng, ấy như muốn cô đặc tâm hồn nó lại.
Trong cuộc sống, có những thứ khao khát, mong muốn có được, vậy nhưng khi nó đã nằm gọn trong tầm tay thì mới cảm nhận được giá trị thật sự của nó. Khi cô đơn nó muốn gặp người thân thương, gia đình của mình. Vậy nhưng gặp xong rồi, đấy lại là thứ khiến tâm trí nó đêm ngày bị dày vò, giằng xé, điên loạn. Ánh sáng là thứ đêm ngày được duy trì ở nơi nó sống, ngoài chức năng kiểm soát, có lẽ nó còn mang một ý nghĩa khác tương tự như sự cứu rỗi linh hồn, chiếu sáng đến mọi suy nghĩ tiêu cực của họ còn một chút ánh sáng để tỉnh táo lại. Nhưng với nó tất cả vẫn chỉ là màn đêm trước mặt, là ngõ cụt, là vực sâu. Cô đơn và tuyệt vọng là thứ vô hình có thể giết chết con người từ tâm hồn tới thể xác.
Bao đêm chờ sáng, nó thẫn thờ ngồi thu lu trong góc phòng với cùng một mong muốn, một chờ đợi là người ta tới mở cửa và mang nó đi đến cái nơi gọi là sự trả giá cuối cùng. Nó không sợ chết, thậm chí nó còn muốn nhanh chóng biến khỏi cõi đời này để cảm xúc trong mình thôi thổn thức từng phút giây xé lòng. Cuộc đời nó chẳng bao giờ dám ước mơ, bởi số phận chỉ dạy nó rằng thứ gì cầm trong tay rồi, đôi lúc vẫn chẳng phải là của mình. Cả chặng đường đã qua, nó luôn phải gồng mình mà sống, gồng mình mà cố gắng tồn tại. Cuộc sống chẳng cho nó một chỗ dựa mỗi khi mỏi mệt về tinh thần. Vậy nên mọi thứ chất kích thích là thứ nó dùng để lãng quên, để vượt qua làm chai sạn mọi cảm xúc vốn có của con người trong nó.
Thời gian có một thiên tính, là có thể chữa lành mọi vết thương của con người. Nó cũng đã có sự bình tâm bởi cách ly khỏi chốn nhân gian xô bồ, cũng chẳng phải gồng mình mà tồn tại nữa. Ngay cả sự day dứt nơi tâm can cũng dần bị bỏ lại phía sau, nhường chỗ cho sự trống rỗng, vô hồn. Tất cả những gì mới lạ xuất hiện trong căn phòng ánh sáng ấy đều mang lại cho nó những giây phút đáng chắt chiu. Từ con kiến, thạch sùng, hay mỗi khi trời mưa, con rết nhỏ lại chạy vào tìm nơi tránh trú. Đó là những người bạn mới của nó, dù chẳng thể nói chuyện hay chia sẻ nhưng chúng mang lại cảm giác của sự sống.
Và còn một điều mà ngày nào nó cũng mong chờ tới thời khắc ấy, đó là tiếng hát giữa đêm chờ sáng. Nó bắt nguồn từ một phận đời giống nó, ở ngay khu biệt giam đối diện, nơi đám đàn ông bị cùm chân chờ đợi ngày bước ra pháp trường. Ngày qua ngày cứ gần thời khắc của buổi bình minh ngày mới, tiếng hát lại vang lên xé rách màn đêm não nề. Những lời hát buồn đến vô vọng như muốn trút hết những ký ức trong tâm can. Câu từ chắp vá kết nối bởi cả chục bài hát buồn, tạo nên một bản massup (ngẫu phối) tâm hồn, khiến người nghe như nó cũng bị cuốn vào đó mà rơi nước mắt. Nó chạy vào tâm can, lắng đọng lại ở đó, kích thích những dòng suy nghĩ khởi sinh. Và đó là ngọn nguồn của sự khao khát, hạt mầm thiện được giao trong lòng đất khô cằn, sỏi đá của nó.
Tiếng ca vọng xa trong màn đêm tĩnh mịch, nói lên những nỗi nhớ, tình yêu thương của đám người sẽ sớm thôi đến phút giây tiễn biệt cuộc đời. Họ hát bằng tâm can trần trụi thực sự, mang tâm trạng của tuyệt vọng. Phải chăng vì thế mà nó da diết, nó cảm xúc hơn tất cả những giai điệu trong cuộc sống mà nó đã từng nghe. Để rồi trong phút giây nào đó, nơi cảm xúc yếu mềm của người phụ nữ trong nó lại khát khao sống, khát khao được yêu thương.
Và nó xin giấy bút, thứ mà cả cuộc đời đã qua chẳng bao giờ dùng đến, để viết một lá đơn xin tha tội chết. Ngôn từ chẳng đủ để kêu cầu bằng những lời hoa mỹ, nhưng sự bình dị ấy lại lột tả được khát vọng làm người của một con đàn bà từ bé đã bị ném vào vũng lầy số phận. Dù chẳng thể lột tả hết nhưng những con chữ nguệch ngoạc, chấp chới ấy lại khiến người ta thấy thương tâm. Bởi nó là một phụ nữ đẹp nhưng cả dòng sông cuộc đời đầy bến khách, chẳng bến nào hạnh phúc cho nó cập vào. Chưa một lần trong cuộc đời nó được nếm trải một hạnh phúc thật sự. Chính vì thế mà pháp luật đã khoan hồng, và nó có được một cơ hội cải hóa để làm người, để cho nó hiểu giá trị của hạnh phúc.
Sau khi được khoan hồng, Hương tích cực lao động, học tập để mong có thể bắt đầu lại cuộc đời
Nó sống lại giữa ngày đông giá rét nhất trong năm, mây giăng kín che hết ánh sáng mặt trời, sự giằng xé của lẽ tự nhiên trên bầu khí quyển tạo nên cái sắc màu ảm đạm tới buồn cả người. Ở cái tiết trời ấy, thường chẳng ai dám mong tới một điều tốt lành sẽ tới. Ấy vậy mà, một sự sống mới lại được nảy mầm trong cái ngày u ám đó, một phần “chết rồi chưa chôn” được cải tử hoàn sinh. Hôm ấy, nhiều người rất lạ đến buồng giam của nó, sau vài thủ tục họ đưa nó đi trong sự ngỡ ngàng. Nó được thay đổi nơi giam giữ, thay đổi cả bản án, thay đổi một cuộc đời. Tạm biệt cái nơi “tiễn biệt người chết”, nó sẽ chẳng bao giờ quay lại nơi đó nhưng nó hiểu, cũng nhờ đó mà trong tâm hồn nó nảy mầm những hạt giống thiện lương, thứ mà một khi đã gieo xuống thì cần phải cả một đời để gìn giữ, nuôi dưỡng cho nó sinh sôi và trưởng thành.
Giờ thì nó đã đủ thời gian để nói lời xin lỗi với người cần nói, lời cảm ơn tới người cần nghe và học lại từ đầu những giá trị sống của một con người. Chặng đường dài trước mặt còn chông gai, còn gian nan và đầy thử thách. Thế nhưng một khi đã có khao khát trong tâm hồn thì hẳn nó sẽ đủ nghị lực và quyết tâm để vượt qua. Và một thứ nó cần phải học đó là cách buông bỏ tất cả cái quá khứ đã qua vẫn còn lấp đầy trong nó. Có như thế nó mới đủ bình tâm và nhẹ ráng mà bước đi trong màn đêm số phận trước mặt.
Hẳn những chặng đường vừa mới qua thôi, khi nhấn chìm trong cô đơn, nó cũng sẽ nhận ra một điều rằng, hạnh phúc chẳng phải là điều gì đó quá cao xa như nó tưởng. Dù đã dành gần hết tuổi thanh xuân mà vẫn chẳng tìm được, nhưng hạnh phúc luôn có mặt xung quanh tất cả người sống. Đôi khi con người lạc giữa sa mạc lâu ngày thì một giọt nước thôi cũng đủ coi là một thứ hạnh phúc. Hay đơn giản như một cái mỉm cười của người thân tiễn ta đi làm hoặc chờ đợi ta trở về nhà, hạnh phúc là vậy đấy, chỉ một cử chỉ giản đơn đơn cũ cũng đủ ấm lên niềm vui nho nhỏ trong tâm hồn, giúp nó bình tâm, vững tin mà bước tiếp con đường cuộc sống.
Lúc này đây nó đã bước lên một môi trường cải tạo mới, để học tập, rèn luyện, lao động, cải hóa lại nhân cách. Học tập mang lại kiến thức sống, lao động rèn luyện cho nó nghị lực và lòng kiên trì trước mọi khó khăn thử thách. Hai điều này khi kết hợp lại với nhau sẽ cho ra một nhân cách thiện lương để có thể sớm trở về với cộng đồng và xã hội. Tất nhiên sẽ có thứ phải đánh đổi lại là sức lao động và cả những giọt mồ hôi đổ xuống. Những giọt mồ hôi đó là minh chứng, là thước đo cho quá trình lao động cải tạo làm con người hoàn chỉnh, nuôi những mầm thiện khởi sinh trong con người nó.
Nếu cuộc đời là một cuốn phim, thì trong đó nó đã bị số phận ném vào một vai phản diện đầy oan trái, bi ai. Dù có muốn hay không, nó vẫn phải hoàn thành hết vai diễn của mình mà chẳng thể trốn tránh hay thoái thác. Mà tới phân cảnh này, có lẽ nó đã đi qua được cơn mưa số phận trên nền đường sỏi đá. Sau cơn mưa, trời lại sáng đó là lẽ tự nhiên. Bởi thế giờ đây nó có quyền hy vọng ở tương lai tươi sáng hơn, vào ngày mai lại thêm một ngày có nắng ấm, mây bay lang thang trên nền trời xanh ngát và cả gió vi vu trêu đùa, rong ruổi trên những cành lá. Vạn vật đều mang những lý lẽ riêng của nó và luôn ẩn chứa niềm hạnh phúc trong đó, chờ con người cảm nhận được. Giờ sự thảnh thơi trong tâm hồn, qua thời gian sẽ giúp nó khám phá ra những sợi tơ hạnh phúc mà thượng đế luôn răng khắp thế gian. Nhưng để nhận ra nó, cần phải có một tâm hồn như ánh nắng ban mai làm tỏa sáng vạn vật sau bóng đêm hoang vu, lạnh giá.
Nếu còn có ngày mai, nghe thì tưởng như thiếu niềm tin và sự tự tin. Vậy nhưng câu nói này chứa được toàn bộ hi vọng sống của cuộc đời nó. Bởi chỉ cần có thêm một ngày mai là nó biết nó có thêm thời gian để hi vọng, để cảm nhận và chờ đợi tình yêu thương và hạnh phúc. Ngày hôm nay là tương lai của ngày hôm qua và là quá khứ của ngày mai. Và ngày mai sẽ biến thành quá khứ của ngày mai nữa. Cứ qua thêm một ngày là chặng đường bóng tối lại nhắn lại một bước và cái đích sẽ sớm thôi, hiện ra trước mặt nó. Giờ nó có mục đích để sống, có thứ để hy vọng và chờ đợi, đó chính là tình yêu thương, hạnh phúc của gia đình, của người thân đã mở lòng tha thứ tất cả và mong nó quay về cùng đoàn tụ chung một mái nhà. Mở một lá thư nó khoe: “Tháng nào cũng vậy, đều đặn con trai đều gửi một bức thư cho mẹ”. Những dòng chữ non nớt, nguệch ngoạc, lời lẽ ngây thơ không đủ diễn đạt ý muốn tỏ bày. Nhưng đó là nguồn sức mạnh vô hình thôi thúc tâm hồn nó hoàn lương, liều thuốc hạnh phúc cho trái tim tổn thương ấy. Trong lá thư ấy có đoạt thế này: “Mẹ ơi, mau về nhé để đưa con tới trường”. Đơn giản là vậy đấy nhưng đó là niềm khao khát niềm hạnh phúc của hai trái tim.
(Hết)