Một tay anh chị nhận xét "Bà ta là loại giang hồ táng tận lương tâm. Vì lợi nhuận mà sẵn sàng đẩy con cái, cháu chắt vào con đường phạm tội. Nếu cuối đời bà ta phải chết trong cô đơn, thì cũng là bản án lương tâm đã có một tiếng nói công bằng cho tội lỗi của bà ta".
Một sáng tác của Thanh Huyền Ngọc.
Ảnh minh hoạ.
Bà trùm ma túy xóm liều
Người đàn bà ấy tên Đặng Thị Ánh, sinh năm 1950. Cách đây mấy chục năm về trước, khi Hà Nội vẫn nhức nhối với điểm đen tệ nạn là xóm liều Thanh Nhàn, thì ở đó, bà ta đã là một nữ quái sừng sỏ. Giới giang hồ biết đến bà ta với biệt danh Ánh "ngựa" bởi bà ta sở hữu khuôn mặt dài hình lưỡi cày, rất thô kệch. Cái biệt danh này nổi tiếng đến mức về sau, các con của bà ta đều được gọi kèm theo tên mẹ: Hùng "Ánh ngựa", Quang "Ánh ngựa"... Tại xóm liều ngày ấy, dù tập trung đủ các loại tệ nạn với đầy rẫy những gã trai giang hồ hảo hán, nhưng Ánh "ngựa" vẫn nổi lên như một trong những nữ thủ lĩnh. Hoạt động tội phạm của bà ta chủ yếu là phân phối, bán lẻ ma túy và cho vay nặng lãi. Đụng đến "hàng trắng", tội danh mà nếu bị tóm cổ sẽ phải chịu mức án rất nặng, cũng đủ thấy lá gan của người đàn bà này to đến thế nào.
Nhiều tay anh chị sau này cho rằng Ánh "ngựa" bước chân vào con đường sa ngã là bởi người chồng đầu tiên, một con nghiện ma túy nặng. Nhưng cũng chỉ là đồn đoán vậy thôi. Bởi sau khi người chồng này qua đời, bà ta còn tái hôn hai lần nữa, đều là với những gã giang hồ nghiện ma túy. Giống như kiểu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", bà ta luôn chọn đứng sang phía của cái ác. Có cơ hội để làm lại, để giải thoát cuộc đời mình, nhưng bà ta vẫn tìm về hướng tối tăm. Nói Ánh "ngựa" buôn ma túy để cung phụng chồng thì chắc chắn không phải. Bởi trong gia đình, có lẽ bà ta mới là người làm "chồng", còn thực chất các ông chồng chỉ là tay sai để được trả công bằng ma túy. Có nghĩa là bà ta phạm tội bởi lợi nhuận kếch xù của món hàng này. Và vì thứ lợi nhuận ấy, bà ta bất chấp đạo lý, sẵn sàng sử dụng các con, thậm chí các cháu của mình vào hoạt động reo rắc "cái chết trắng".
Như trên đã nói, tuy nhan sắc ở mức dưới trung bình nhưng Ánh "ngựa" có tới 3 đời chồng và 5 đứa con. 4 đứa con trai đầu chỉ vừa lớn lên đã "noi gương" mẹ, trở thành những gã giang hồ coi trại giáo dưỡng và nhà tù như nơi nghỉ mát. Chỉ có đứa con gái út (SN 1974) với người chồng thứ 3 là được Ánh "ngựa" cưng như trứng mỏng. Khác hẳn mẹ, cô bé khá xinh xắn. Khỏi nói Ánh "ngựa" mừng đến thế nào. Cái tên Ánh Dương đặt cho con cũng đủ cho thấy có lẽ bà ta đã đặt những kỳ vọng nhất định vào cô công chúa này. Bằng chứng là cô bé được ăn học học đàng hoàng, là đứa con duy nhất được cắp sách tới trường trong 5 anh em. Với những đồng tiền kiếm được từ các hoạt động phi pháp, Dương được mẹ đầu tư cho không thiếu thứ gì. Nhưng tất cả những thứ đó đều chỉ là vật chất phù phiếm, làm sao chữa được sự ô nhiễm bên trong tâm hồn. Càng lớn lên, dù muốn dù không, Dương vẫn dần hiểu được gia đình mình kiếm ăn bằng cách nào. Dù chưa bộc lộ sự hư hỏng nhưng thói quen ăn tiêu thoải mái, hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa đã tạo một sức cám dỗ khó cưỡng đối với cô bé.
Ảnh minh hoạ.
Đào mồ "chôn" tương lai con cháu
Dương sắp tốt nghiệp cấp 3 thì biến cố xảy ra. Dù đã rất ma mãnh nhưng lưới trời lồng lồng, Ánh "ngựa" rồi cũng sa vào tay luật pháp. Sau hàng chục năm hoạt động tội ác, bà ta phải trả giá bằng 10 năm tù giam. Nữ thủ lĩnh đi bóc lịch nhưng "vương quốc" xóm liều thì vẫn còn đó với những hoạt động tệ nạn không mấy suy giảm. Ở trong trại giam mà bà ta không hề ăn năn hối cải, dường như vẫn tiếc hùi hụi những nguồn lợi béo bở lúc còn ngoài xã hội. Là dân buôn ma túy lõi đời, bà ta biết rằng những đứa con trai tuy là lũ giang hồ có sừng có mỏ nhưng đều nghiện ngập, không thể trông mong gì được. Và người đàn bà tội lỗi đã chuyển hướng đến cô công chúa út của mình. Sau này, một vài chiến hữu của Ánh Dương kể lại: ngay trong những ngày đầu tiên đi thăm nuôi trong trại, cô đã được mẹ chuyển giao tay hòm chìa khóa. Vừa nhẹ nhàng vừa dọa dẫm, Ánh "ngựa" đã ép con gái phải bước tiếp con đường của mình. Tất cả các mối cung cấp hàng trắng, cách thức vận chuyển, giao nhận, phân chia cho đến các chân rết bán lẻ, đều được chỉ đạo từ xa như thế. Cô học trò Ánh Dương ngày nào không còn nữa. Thay vào đó là Dương "Ánh ngựa", cái biệt hiệu đóng đinh cho những đứa con của nữ quái giang hồ.
Ban đầu là bị ép buộc nhưng rồi Dương cũng nhanh chóng sa vào cạm bẫy, quay cuồng trong cái guồng buôn bán món hàng siêu lợi nhuận. Thậm chí với vỏ bọc nữ sinh, cô còn hoạt động trắng trợn hơn cả mẹ mình. Nhưng còn lâu cô mới đạt đến sự tinh quái của một nữ thủ lĩnh. Dương phạm vào điều tối kỵ của những trùm buôn ma túy, đó là dính vào nghiện ngập. Bởi vì không như những con nghiện quặt quẹo thường xuyên đói thuốc khác, ma túy với trùm buôn là của "nhà trồng được". Mà liều dùng thì ngày qua ngày chỉ có tăng lên chứ không thể giảm đi. Cuộc đời Dương đã được đốt rất nhanh chóng theo quy luật đó. Vài năm sau ngày để con gái "nối ngôi", khi được thăm gặp, Ánh "ngựa" kinh hoàng nhận ra điều đó. Không còn đâu con bé xinh xắn ngày nào. Ánh Dương giờ thân tàn ma dại, gầy trơ xương và tròng mắt đờ đẫn, dấu ấn không son phấn nào che lấp được, sau những chuỗi ngày triền miên với "phê pha". Mọi lời khuyên bảo từ đáy lòng người mẹ cũng không có ý nghĩa gì với cô nữa. Vào lúc ấy, bà ta đã có dự cảm rất xấu mà không làm gì được. Bởi chính tay bà ta đã dẫn con gái vào ngõ cụt, không thể quay đầu và không có lối ra.
Trước khi ra tù khoảng 2 năm, Ánh "ngựa" đã phải đón nhận tin đau đớn nhất đời mình. Ánh Dương chết vì sốc ma túy khi chưa đầy 30 tuổi. Cũng đã là một "bà trùm" trẻ nhưng đám tang của cô vẫn dùng vòng hoa trắng. Bởi vì cô chưa bao giờ lấy chồng. Số phận của cô quá nghiệt ngã khi có bà mẹ tội lỗi, đã bắt cô "kết hôn" cùng cái chết trắng ngay từ tuổi thanh xuân. Ánh "ngựa" không thể nhìn mặt con gái lần cuối. Nhưng nỗi đau ấy vẫn chưa cảnh tỉnh được bà ta. Sau khi ra tù, "vương quốc" của bà ta ở xóm liều đã sụp đổ hoàn toàn. Lũ con trai đứa nghiện oặt, đứa đi tù. Những chân rết cũ hầu như đã đứt liên lạc. Với dã tâm trở lại thời oanh liệt cũ, ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng còn ai, Ánh "ngựa" sử dụng luôn mấy đứa cháu nội mới học lớp 3, lớp 4 của mình. Cũng như cha của chúng, những đứa trẻ này hầu như không nhận được sự quan tâm dạy dỗ cần thiết. Các em lớn lên tự do như cái cây, ngọn cỏ, đúng sai còn chưa hiểu rõ, nữa là phân biệt cái xấu và cái tốt. Bà nội bảo sao thì các em nghe vậy. Trong cặp sách lúc đi học, trong túi thực phẩm khi đi chợ, các em đâu biết mình đã trở thành một mặt xích phân phối những "tép" heroin nhỏ xíu. Nhưng thật may cho lũ trẻ. Mánh khóe tàn bạo của bà trùm hết thời đã nhanh chóng bị cơ quan chức năng phát hiện. Ánh "ngựa" lại đi nằm nhà đá. Lũ trẻ được giải thoát khỏi nanh vuốt của bà nội, trước khi trở thành như cha chúng, hoặc tệ hơn là người cô tội nghiệp Ánh Dương...
Xóm liều giờ đã thành đường phố, thành công viên phong quang đẹp đẽ. Nhưng người ta vẫn không thể quên được một thời nơi đây u tối. Ở đó, có người đàn bà vì những lợi nhuận nhơ bẩn đã đích thân biến con, rồi cháu trở thành tội phạm. Những mảnh đời bất hạnh ngay từ thời tuổi xanh đã bị vùi xuống bùn nhơ, không thể gột rửa.
Thời điểm này, người đàn bà tội lỗi cũng đã được tha tù, đang phải sống quãng thời gian cuối đời trong cô quạnh. Căn nhà nhỏ trên phố Trần Khát Chân không mấy khi có khách. "Mấy đứa con trai thì nghiện ngập, không tính đến. Nhưng những đứa cháu cũng không đoái hoài gì. Chắc khi lớn lên, hiểu biết, chúng cũng không thể tha thứ cho bà ta. Trước khi reo rắc cái chết trắng đến cho người khác, bà ta đã tự đào mồ chôn tương lai của chính gia đình mình", một người sống gần đó nhận xét.
T.H.N