Năm 2023, thị trường M&A Việt Nam đạt giá trị hơn 4 tỷ USD

Mặc dù trong 10 tháng đầu năm 2023, thị trường M&A sụt giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, song thị trường này vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội.

Thị trường bất động sản năm 2023 không có đột phá

Trong 10 tháng năm 2023, thị trường mua bán và sát nhập (M&A) Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, trung bình các thương vụ đạt giá trị 54,5 triệu USD (theo dữ liệu từ KPMG Việt Nam). Giá trị trung bình các thương vụ đạt 54,5 triệu USD cho thấy sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023), Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, thị trường M&A Việt Nam vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Thứ trưởng cũng cho biết, nhiều kết quả khảo sát của các tổ chức uy tín trên thế giới cho thấy hoạt động M&A toàn cầu năm 2023 đang diễn ra không thuận lợi mà một trong những nguyên nhân chính là việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không ngừng tăng lãi suất khiến chi phí tài chính gia tăng và giá tài sản giảm.

Ông Warrick Cleine Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho biết, năm 2023 hoạt động M&A và giá trị giao dịch toàn cầu bị đình trệ khi các nhà đầu tư đối mặt với những bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô trên toàn thế giới, cùng với tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng, đã và đang ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, phần nào khiến họ thận trọng hơn. Cùng với đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, dẫn đến lãi suất tăng cao, cũng đã tác động đến các thị trường mới nổi, khiến việc tiến hành các giao dịch trở nên đắt đỏ hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến chất cũng như lượng giao dịch trên thị trường.

Theo nghiên cứu của Công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, tổng số thương vụ M&A tính đến hết tháng 10 đã giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số thương vụ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm 11,6%. Nằm trong xu hướng chung, thị trường M&A Việt Nam cũng đang sụt giảm, đặc biệt so với mức đỉnh vào năm 2021 với tổng giá trị thương vụ hơn 10,8 tỷ USD. Theo ước tính của KPMG, tính đến hết tháng 10/2023, tổng giá trị thương vụ của thị trường Việt Nam mới đạt hơn 4,4 tỷ USD, dự báo khó có thể đạt đến con số gần 6,8 tỷ USD của năm 2022.

          Mặt khác, theo nhận định của ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, thị trường M&A tại Việt Nam vẫn còn những thách thức nhất định. Trong đó, 3 thách thức lớn chính là thời gian; hệ thống kế toán và kỳ vọng định giá quá cao của bên bán. Ông cũng phân tích “Hiện nay, thách thức lớn nhất chính là vấn đề thời gian, thương vụ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng là hoàn tất; giữa doanh nghiệp Nhật Bản với các đối tác châu Âu thì mất 6 tháng. Nhưng thương vụ giữa doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam phải mất 12 tháng”. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh: “Thị trường M&A Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để các công ty Nhật Bản tiếp cận”

Sức bật mới cho bất động sản

          Theo báo cáo “Bức tranh lớn: Triển vọng M&A 2024” của S&P Global, mặc dù hoạt động M&A toàn cầu chững lại trong gần như suốt năm 2023 nhưng đang có nhiều tác nhân tiềm năng thúc đẩy các nhà tạo lập thương vụ bứt lên trong năm tới. Việc Fed dừng tăng lãi suất tạo ra một môi trường lãi suất ổn định, sẽ thúc đẩy các thương vụ và nâng triển vọng của thị trường M&A toàn cầu.

Top 5 các nước có giá trị thương vụ công bố cao nhất 10 tháng năm 2023 (triệu USD) - Nguồn: Capital IQ, VIR, KPMG Analysis

          Theo ông Warrick Cleine, xu hướng chung M&A Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng và M&A đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của nhiều tập đoàn lớn. Động lực tăng trưởng 2024 bao gồm dòng vốn FDI mạnh mẽ, nhờ chính trị ổn định và các thỏa thuận thương mại. Hơn nữa, với lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4%, dự báo tăng trưởng GDP của IMF sẽ tăng trở lại 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025; nợ công vẫn dưới trần pháp lý 60% GDP. Những nền tảng này cho thấy nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến những cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, ở trong nước, thị trường đầu tư Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh. Đồng thời, thị trường M&A Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội và triển vọng nhờ những yếu tố nền tảng đang ngày càng được củng cố. Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả trước vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu để tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản đầu tư quy mô lớn của tập đoàn đa quốc gia. Cùng với đó, hoạt động thoái vốn, tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước sau một thời gian bị chậm lại cũng sẽ được đẩy nhanh hơn thời gian tới. “Khi nền kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện nhiều, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Ông Warrick Cleine cũng đưa ra dự báo, các giao dịch M&A có thể gia tăng trong các lĩnh vực chính như: năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe do hỗ trợ chính sách và nhu cầu gia tăng. Xu hướng đầu tư sang các ngành này do tăng trưởng cơ sở hạ tầng, và công nghệ được thúc đẩy bởi chuyển đổi số.

                                                                                                                   PV