Những đứa trẻ lạc lối: 4 - Khi tổ ấm chẳng còn sự bình yên

LTS: Trong cuộc sống, mái ấm gia đình luôn là cái nôi, môi trường đầu tiên tạo nên tính cách và con người mỗi chúng ta. Thế nhưng, gia đình nếu không ấm êm, đủ đầy yêu thương và giáo dục của cha mẹ sẽ trở thành khởi nguồn tạo nên những “vết rạn” trong tâm hồn mỗi đứa trẻ. Để rồi khi lớn lên, những “vết rạn” đó ngày càng hằn rõ hơn, và đến lúc nào đó đẩy những đứa trẻ đó vào những va vấp, cạm bẫy và thậm chí là những tội lỗi không thể cứu vãn. Để đến khi vương mình vào vòng lao lý, những đứa trẻ đó mới thấm thía bài học đầu đời...

Một sáng tác của Khánh Tùng.

 

Trong kí ức, Đoàn Thu Vân vẫn còn nhớ mình đã từng có một tuổi thơ êm đềm. Ở đó có bố, có mẹ cùng nhau yêu thương, chăm sóc, dành cho nó những điều hạnh phúc, yêu thương. Nhưng hạnh phúc đó chẳng được bao lâu khi nó đủ lớn để cảm nhận hạnh phúc đó đã lụi tàn bởi vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền. Giờ đây tuy còn bố còn mẹ nhưng nó chẳng có lối đi về, bởi mái nhà xưa giờ đã ngăn đôi. Nơi đó giờ chẳng còn cái hạnh phúc gọi là bình yên. Thân gái dặm trường, non nớt trôi nổi trên dòng đời đầy cạm bẫy. Nó như cánh bèo trôi dạt giữa dòng chẳng biết nơi đâu là bến đỗ.

Ảnh minh hoạ.

Tuổi thơ và những ký ức êm đềm

Mẹ của Vân là người Đồng Đăng (Lạng Sơn), bố quê ở Nam Định thoát ly lên đây mưu sinh lập nghiệp. Cả bố và mẹ Vân đều là những người lao động cần cù, nghèo nhưng chân chính. Mẹ bán sạp vải ngoài chợ, còn bố của Vân lúc đó làm nghề bốc vác ngoài cửa khẩu, hai người quen nhau rồi nên duyên và Vân chính là thành quả của mối tình chân chất, giản dị ấy. Tuổi thơ, Vân theo bố mẹ sớm tối cùng nhau buôn bán trong khu chợ đông đúc, nhộn nhịp sắc mầu. Nó giống mẹ, xinh lắm! Mắt to, trắng trẻo, bụ bẫm cả khu chợ ai nhìn thấy cũng muốn bế, muốn nựng đôi má đáng yêu của nó. Nó thích mặc váy, chơi búp bê, ăn quà vặt trong khu chợ nhỏ. Những ngày đó, tuy công việc bận bịu nhưng bố mẹ nó luốn có thời gian ở bên nó, chăm sóc cho nó. Cả nhà đi đâu cũng có nhau, ăn gì cũng chia, cũng đợi, cũng phần cho nhau. Dù việc buôn bán có bận rộn đến đâu nhưng mỗi bữa cơm trong tổ ấm nhỏ của nó đều đủ đầy, với nó hạnh phúc chỉ đơn giản là được quan tâm, là được yêu thương.

Đến tuổi đi học, Vân cũng cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác. Nhìn bố luống cuống sắp xếp sách vở, nhìn mẹ luôn tay chuẩn bị ăn sáng cho cả nhà, ngày đầu tiên đi học của nó thật vui. Với giọng nói trong trẻo và khuôn mặt khả ái được thừa hưởng từ mẹ nên ở lớp Vân luôn được chú ý. Mới đi học được vài hôm, Vân đã được bầu làm lớp trưởng, là tấm gương về học tập, về phong cách lịch sự cho học sinh trong trường noi theo. Với giọng hát trong trẻo như thiên thần, Vân được các thầy cô cho tham gia vào đội văn nghệ của trường và được gọi là “họa mi của núi rừng”. Dưới sự dạy dỗ của thầy cô, sự yêu thương đùm bọc của bố mẹ, nó hồn nhiên lớn lên trong sự bao bọc ấy. Cuộc sống dành tặng cho nó đầy sự ưu ái đó cứ thế êm đềm trôi đi.

 

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, lên cấp hai, gia đình nó bắt đầu trở nên giàu có. Ngôi nhà cũ được đập đi rồi trên nền đất đó, một biệt thự sang trọng được mọc lên với đầy đủ sự tiện nghi, vườn tược. Bố mua ô tô, mẹ thuê người giúp việc. Việc làm ăn buôn bán của bố mẹ nó ngày càng phất lên. Rồi khi có nhiều tiền, nó nhận thấy cuộc sống gia đình bắt đầu đảo lộn. Từ ngày có người giúp việc, bố mẹ nó thường xuyên vắng nhà. Những bữa cơm đầy đủ cả cha lẫn mẹ giờ đếm trên đầu ngón tay. Tất cả mọi việc trong nhà và chăm sóc nó đều đến tay bà giúp việc. 

Trong mắt nó, bố mẹ đang dần thay đổi từ cách nói chuyện cho đến vẻ bề ngoài. Rồi bố bắt đầu thường xuyên vắng nhà. Mẹ cũng chú tâm vào cách ăn mặc, trang điểm. Ngày nó đi học thì bố vắng nhà, mẹ chưa dậy. Chiều đi học về thì chỉ có nó với bà giúp việc. Lúc nó đi ngủ rồi thì bố mẹ nó mới về. Cuộc sống chung trong một căn nhà nhưng có khi cả tuần chẳng gặp mặt nhau. Giờ đây các bữa cơm đầy đủ hơn, thừa thãi hơn những cũng chỉ có nó cùng bà giúp việc ngồi ăn. 

Ở trong căn biệt thự to đẹp, đầy đủ nhưng nó lại cảm thấy cô đơn, cảm thấy lạnh lẽo. Với nó thà nhỏ như xưa, thiếu thốn một chút nó cũng chấp nhận, miễn sao những bữa cơm có đầy đủ gia đình, tối ngủ có mẹ hát ru, có ba kể chuyện. Hình ảnh người bố mặc áo bay, quần bộ đội, dép cao su, bận rộn luôn tay luôn chân bên cạnh mẹ nó giờ khắc hẳn. Bố giờ mặc vest, xỏ giầy tây, đầu chải chuốt bóng mượt, lái ô tô. Còn mẹ nó giờ tóc hạt dẻ thay màu đen, những chiếc túi cũ rách đổi thành những chiếc túi hàng hiệu đắt tiền, bộ quần áo vải giản dị giờ nhường chỗ cho chiếc váy đầm gắn kim sa óng ánh. Bố mẹ nó nhìn đẹp lên nhưng nó lại cảm thấy xa lạ.

Ảnh minh hoạ.

Vết cứa thù hận

Rồi trong căn biệt thự xa hoa đó, hàng đêm xuất hiện những tiếng cãi vã, chửi mắng, đập phá đồ đạc của người lớn. Bố say rượu chửi mẹ, mẹ khóc lóc kêu gào. Nó không ngủ, hàng đêm trong căn phòng vắng nó luôn chờ đợi. Nó đợi tiếng còi xe, đợi tiếng mở khóa cổng, đợi tiếng cạch cửa bởi sau tiếng đó nó biết căn nhà đã có đủ bố, đủ mẹ, lúc đó nó mới chìm vào giấc ngủ. Để rồi qua những âm thanh hỗn loạn hàng đêm đó, nó biết bố có người đàn bà mới thay mẹ nó. Và mẹ nó cũng muốn giải thoát để đến với người đàn ông mới không phải là bố nó. Điều đau đớn nhất lọt vào tai nó là bố mẹ đùn đẩy trách nhiệm nuôi nó. Nó hiểu chuyện gì đang và sắp xảy ra. Mẹ gọi nó là cục nợ, bố nó cũng vậy. Từ kết quả của một cuộc hôn nhân hạnh phúc, được mọi người bao bọc, chăm chút, giờ biến thành của nợ, nó khóc lóc, khóc rất nhiều nhưng chỉ nó biết. Cảm giác tủi thân, cô đơn, hoang mang, lo sợ dồn nén lên trái tim thơ ngây của nó, cứa vào trái tim đó một vết cứa mang tên là thù hận.

Ngày bố mẹ nó ra tòa ly hôn cũng chính là ngày nó bỏ căn biệt thự xa hoa đó để ra đi, lao vào cuộc sống không cần biết đến ngày mai. 14 tuổi, đang chuẩn bị lên cấp 3 thì nó bỏ đi bụi đời, bỏ lại sau lưng tất cả những điều trước đó đã từng là hạnh phúc giờ hóa thành thù hận. Nó hận chính người đã sinh ra nó, hận chính nó, hận cuộc đời trớ trêu nghiệt ngã. Tối hôm đó, nó lên tàu từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) xuống Hà Nội. Đây là lần đầu tiên nó xa nhà, rời xa vòng tay của cái gia đình đã từ chối, ruồng bỏ nó. Hành trang trên vai là chiếc ba lô đi học nhét vài bộ quần áo và số tiền tích góp từ những lần bố mẹ cho để đến chốn Hà thành phồn hoa, người đón nó là Sơn, một người bạn mới quen qua mạng cách đây chỉ 2 tuần, người đã chịu lắng nghe nó chia sẻ những nỗi buồn. Cuộc dạo chơi qua phố phường tấp nập, nó cùng Sơn đi ăn. 

Trước tính cách ga lăng, gương mặt điển trai và giọng nói vui vẻ, ngọt như mía của Sơn nó chẳng thể thoát được cạm bẫy đã được sắp đặt trước. Đêm đó trong nhà nghỉ, nó đã trở thành đàn bà theo đúng nghĩa. Những ngày tiếp theo, chúng quấn lấy nhau như sam, cùng nhau đi dạo, cùng nhau đi ăn, đi chơi như những cặp tình nhân sắp cưới. Cho tới khi tiền trong túi nó hết, rồi dây chuyền, nhẫn, điện thoại của nó được Sơn đưa ra đủ loại lý do mang đi cầm cố, lúc này nó mới biết được bộ mặt thật sự ẩn sau vẻ điển trai hào nhoáng kia của Sơn.

Người nó mới trao thân vừa tù về, nhà mở cho quán internet nằm trong khu vực quận Cầu Giấy. Sơn cùng một nhóm tụ tập sống kiểu bầy đàn và đại bản doanh chính là quán internet và những nhà nghỉ kế bên. Với vẻ ngoài ga lăng hào nhoáng bề mặt của Sơn, nó cũng chỉ là một trong số những con mồi đã sập bẫy tình của Sơn. Rồi từ đó nó tham gia vào cuộc sống bầy đàn của Sơn và lẽ tất nhiên, cái thân xác nó đã qua tay tất cả những thằng đàn ông trong nhóm. Sơn và nhóm của nó nghiện ma túy và để có tiền mua hàng sử dụng, Sơn không thể bỏ qua món hàng béo bở như nó. Kế hoạch được lập ra, Sơn dùng nó làm con mồi nhử dụ những thằng đàn ông ham của lạ, thích gái non tơ, thích “cứu nét”.

Với khuôn mặt ưa nhìn, xinh xắn và dáng người phổng phao lớn trước tuổi, trong các diễn đàn, chat room và mạng xã hội nó luôn được cánh đàn ông chú ý. Chỉ với vài lời ỡm ờ, à ơi kèm theo những bức ảnh khoe hàng do Sơn dàn dựng, chỉ bảo, nó đã dụ biết bao con mồi sa lưới. Khi có người đồng ý đến quán trả hàng trăm ngàn tiền nét cho nó để đưa nó đi chơi đêm. Lúc đó Sơn là người thu tiền, rồi nó đưa con mồi sang dãy nhà trọ, nhà nghỉ mà chúng nó đã sắp đặt trước. Vào phòng, sau màn cởi quần áo bọn Sơn cùng đàn em lao vào đập cửa bắt quả tang như một vụ đánh ghen để phạt tiền, trấn lột những thằng đàn ông hám gái, hám của lạ. Chúng nó biết, ở những sự việc này chẳng người bị hại nào lại hé răng đi báo công an. Nhưng đôi lúc gặp phải những anh chị đầu gấu hơn, nó bị bắt đi nơi khác và chịu sự dày vò đau đớn cho tới khi được thả về.

Ảnh minh hoạ.

Lúc này, nó trở thành công cụ kiếm tiền của bọn Sơn nhưng nó cũng chẳng thể trốn chạy bởi lúc nào cũng có đám đàn em của Sơn để mắt tới. Và ở giữa phố đông đúc này nó cũng chẳng biết đi đâu về đâu, chẳng biết làm gì để nuôi thân. Trong một đêm cả nhóm nó tụ tập sử dụng ma túy tại một nhà nghỉ trên đường Bưởi bị công an tóm gọn. Vân thoát trong gang tấc bởi khi công an ập vào thì nó đang ra ngoài mua đồ ăn cho cả nhóm cách đấy chỉ hơn 20 mét. Nhìn một lũ đầu xanh đầu đỏ tay bị còng ra sau nhét lên xe thùng, lúc đó nó sợ hãi, nó trốn chạy. 

Phố xá tấp nập nhưng nó chỉ có một thân một mình trơ trọi. Nó hiểu rằng từ nay nó phải tự mình kiếm cái ăn, kiếm chỗ ngủ, một mình sinh tồn giữa dòng đời tấp nập. Với số tiền ít ỏi còn lại trong người, nó bắt xe bus tới quán internet trên đường Lê Thanh Nghị khu vực Bách Khoa. Từ đêm đó nó sống một cuộc sống mới, nó tạo một tài khoản chat mới để vào diễn đàn, mạng xã hội. Với những gì đã trải qua nó biết phải làm gì. Tìm cách kiếm một thằng đàn ông, một thằng có chứng minh thư bởi dù nó có tiền cũng chẳng thể vào nhà nghỉ bởi thứ nhất nó là đàn bà và thứ hai nó chưa có chứng minh thư.

Với những kĩ năng trải đời trong thời gian sống bấy đàn với nhóm của Sơn, nó biết nó có cái gì và phải dùng cái gì để có thể có cái ăn mà lại có tiền. Từ một đứa trẻ ngoan ngoãn ngây thơ giờ đây nó đã biến thành một ả gái giang hồ thực thụ. Từ ních chat mới nó lại lên mạng kiếm khách nhưng khác với những lần trước làm với nhóm Sơn, lần này nó phải đi ngủ với khách để kiếm tiền và không quên những câu chuyện kể lể gia đình bi đát mà nó tự nghĩ ra. Với mỗi thằng đàn ông là một câu chuyện đáng thương khác nhau. Cuộc sống của nó là như thế, ngày ở hàng internet, đêm ở khách sạn, nhà nghỉ với những thằng đàn ông xa lạ, chịu đủ sự dày vò, nhục nhã.

Rồi qua những đứa cùng nghề như nó trên mạng, nó tìm mua được một chứng minh thư giả để giúp nó tránh công an kiểm tra khi đi đêm. Rồi từ một cuộc sống ảo hàng ngày trên mạng, nó trò chuyện với nhiều người xa lạ chẳng biết gì về nó, tin vào những câu chuyện mà nó tự “vẽ” ra. Những “con gà” đã tán nó, yêu nó như cách ban đầu nó tin vào những lời đường mật của với Sơn. Cú vấp đầu đời gặp Sơn làm nó nghĩ tất cả đàn ông tồn tại cũng chỉ là loại lừa lọc. Bởi vậy nó nghĩ ra một cách để kiếm tiền nhanh hơn và nhiều hơn cách nó đang làm. Nó chẳng biết được rằng suy nghĩ đó đã tạo ra hành vi phạm pháp nghiêm trọng đẩy cuộc đời nó vào bóng tối từ đây.

Với cách thức thay đổi tài khoản chat và địa điểm liên tục, nó vào vai một cô bé sinh viên từ quê ra tỉnh lên thành phố theo học đại học với hoàn cảnh éo le. Nó tìm kiếm những anh chàng sinh viên có điều kiện, có tiền, có xe đẹp. Sau những cuộc trò chuyện à ơi qua mạng, khác với những lần trước, nó không vào nhà nghỉ mà chỉ hẹn con mồi đi uống nước, cho con mồi theo đuổi tán tỉnh nó. Khi đã cắn câu sau vài tuần quen biết, bãi đáp cuối cùng của nó và con mồi là khách sạn, nhà nghỉ. Ở đó nó mượn chìa khóa xe đi mua thẻ hay đi mua đồ ăn cho 2 người. Những kẻ nhẹ dạ đưa chìa khóa cho nó đều phải nếm trái đắng sau đó. Những chiếc xe đều được nó mang tới những hiệu cầm đồ trên đường Láng để cầm lấy tiền. Sau những phi vụ thành công nó xóa tài khoản chat, biến mất qua khu vực khác rồi lại tiếp tục biến thành một con người mới.

Ảnh minh hoạ.

Bản án cho lương tâm

Với cùng một thủ đoạn như thế, cho tới khi nó sa lưới pháp luật có tới 8 con mồi lọt bẫy. Ngày bị bắt nó chưa đủ 18 tuổi, ngày nó xử, nó được gặp lại mẹ sau hơn 2 năm từ ngày nó chọn cách bước chân ra đi. Nhưng ngày gặp lại, nó không chảy một giọt nước mắt, chỉ có mẹ nó là hai hàng lệ chảy dài trên má. Trước giờ tòa tuyên án, hội đồng xét xử hỏi nó: “Bị cáo có hối hận trước hành vi của mình đã gây ra hay không?”. Trước câu hỏi đó, nó quay lại nhìn mẹ nó trả lời ráo hoảnh: “Tôi không hối hận, ra tù tôi sẽ tiếp tục phạm tội bởi tôi thích thì tôi làm thôi”.

Nó lên xe quay lại trại giam để lại phía sau những cái lắc đầu, những tiếng thở dài ngao ngán. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, mỗi đứa trẻ từ khi sinh ra là một tâm hồn mang tính thiện. Tâm hồn trẻ thơ như một trang giấy trắng mà người lớn bên cạnh mặc sức tô vẽ lên đó những điều hay lẽ phải, tình yêu thương tạo nên những sắc màu rực rỡ để cho ra một bức ảnh hoàn chỉnh. Là đứa con như ý muốn của cha mẹ trong tương lai. Nhưng một khi bức tranh đó vô tình bị lấm lem, bị vấy bẩn có lẽ chẳng cách nào xóa được. Một bức tranh từ cực phẩm có thể biến thành phế phẩm đơn giản chỉ trong một nét mực. Cũng như con người, từ người tốt có thể thành người xấu đơn giản chũng chỉ trong một hành vi.

Như chuyện của Vân, từ một tấm gương học đường, được ví là “họa mi của núi rừng” khi đối diện với sự tan vỡ, chia ly của bố mẹ, em đã gục ngã. Từ những lời nói cay nghiệt vô ý của người làm cha làm mẹ trong cuộc cãi vã đã làm vấy bẩn lên suy nghĩ tâm hồn ngây thơ của em. Cũng chẳng ai cho em một lời giải thích, một lời khuyên bởi thế em đã đưa ra một quyết định sai lầm kéo theo cả cuộc đời đi vào ngõ cụt, sai lầm nối tiếp sai lầm. Nhìn một thiếu nữ chưa tròn 18 tuổi đối diện với cay đắng, tủi nhục, cùng cực của cuộc đời oan nghiệt mà không chảy đến một giọt nước mắt, liệu là con người có ai thấy mà chẳng xót xa? Những năm tháng phía trước đủ dài để em có thể suy ngẫm, sám hối tìm lại tâm thiện trong mình. Đừng cố gồng mình sống, gồng mình để tỏ ra bất cần là con gái em có thể khóc. Khi nào mắt có thể khóc, khi đó em sẽ có thể đánh thức tính bản thiện trong mình để quay lại làm người.