Những đứa trẻ lạc lối: 5 - Ước mơ của đứa trẻ ăn mày lầm lỡ

Trong cuộc sống, mái ấm gia đình luôn là cái nôi, môi trường đầu tiên tạo nên tính cách và con người mỗi chúng ta. Thế nhưng, gia đình nếu không ấm êm, đủ đầy yêu thương và giáo dục của cha mẹ sẽ trở thành khởi nguồn tạo nên những “vết rạn” trong tâm hồn mỗi đứa trẻ. Để rồi khi lớn lên, những “vết rạn” đó ngày càng hằn rõ hơn, và đến lúc nào đó đẩy những đứa trẻ đó vào những va vấp, cạm bẫy và thậm chí là những tội lỗi không thể cứu vãn. Để đến khi vương mình vào vòng lao lý, những đứa trẻ đó mới thấm thía bài học đầu đời...

Một sáng tác của Khánh Tùng.

Ấn tượng đầu tiên về Phạm Văn Mạnh (tức Mạnh “còi”, ngụ tại Thái Bình) như thẻ một “phiên bản lỗi của tạo hóa”. Thân hình còi cọc, da đen sạm, cao chưa đầy mét rưỡi với đôi tay dài như vượn. Trên khuôn mặt dài già nua khắc khổ, điểm thêm đôi mắt lươn ti hí chẳng ai nghĩ năm nay nó chỉ vừa 17 tuổi. Ở cái tuổi đáng ra còn nằm trong sự bao bọc của gia đình thì nó đã nhận được đầy đủ sự bi ai, khốn khổ từ dòng đời cay nghiệt dành tặng. 

Ảnh minh hoạ.

Đứa trẻ bị ruồng bỏ

Từ khi được sinh ra trên đời, Mạnh đã phải vật lộn để tồn tại, lang thang bươn trải giữa dòng đời khắc nghiệt khiến nó “lỗi” từ hình thức đến tâm hồn. Trong ký ức của mình, Mạnh gần như không mấy ấn tượng về cha mẹ mình, cũng chẳng thể tưởng tượng nổi khuôn mặt của họ, bởi từ khi chào đời tới giờ nó chưa từng gặp mặt những người đó. 

Mạnh ở với bà ngoại ở một làng quê nghèo thuộc huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), cái làng nó ở người dân khắp tứ xứ gọi là “làng ăn mày” bởi ngoài thời gian gieo mạ, gặt lúa còn lại dân trong làng từ già trẻ, lớn bé đều đổ đi khắp bốn phương ăn mày. Bà ngoại kể, mẹ sau khi sinh nó ra chưa tròn tháng đã để lại cho bà nuôi rồi cùng bố nó vào miền Nam tính kế mưu sinh mong thoát đói, thoát nghèo. Nhưng rồi cũng chẳng biết cuộc sống thế nào, tới giờ nó cũng chưa từng gặp lại họ một lần. Với nó bố mẹ nó chỉ là một tấm ảnh gói trong giấy bóng hình nhàu nhĩ mà bà để đầu giường. 

Ngôi làng của nó nghèo lắm, cuộc sống chạy ăn từng bữa hiện hữu trên từng mái nhà. Tiếng người lớn thở dài, tiếng trẻ con mè nheo khóc bởi cái đói. Nhà bà không có ruộng để cày bừa trồng trọt. Cứ sáng chiều bà đi mò cua, bắt ốc bên bờ ruộng, ao làng kiếm chút tiền đổi gạo nuôi nó. Nó lớn lên nhờ nước cơm bà nấu, nhờ tình thương của láng giềng. Ngôi nhà tranh vách đất trộn rơm ọp ẹp chỉ vừa chiếc giường cũ nát phải dùng gạch đỏ kê làm chân tránh đất ẩm ướt. Vào những ngày mưa bão, hai bà cháu chỉ biết ôm nhau nhìn lên mái tranh để tránh nước mưa nhỏ giọt ướt người.

Bà kể ngày xưa nuôi nó khổ lắm, mấy lần tưởng nó chẳng thể sống nổi. Mẹ nó đẻ nó ra để lại cho bà rồi biệt tích, nó chẳng được lớn lên bằng dòng sữa mẹ. Ngày sau, sau khi mò cua bắt ốc đổi được chút gạo, bà đem về nấu cơm cho nhiều nước lên, nước cơm sôi sệt vào bà múc ra để nguội cho nó uống, còn “xác gạo” bà ăn cho đỡ đói lòng. Làm gì có tiền mà mua sữa bột cho nó ăn. Thiếu chất, nó đau ốm quặt queo rồi còn đủ chứng bệnh, suy dinh dưỡng, còi xương. Mấy lần nó bị tiêu chảy tưởng chết. Nhà chẳng có đồng cắc nào mà đưa nó đi bệnh viện. Thương cháu nhưng lực bất tòng tâm, bà chỉ đành dựa vào kinh nghiệm từ xưa nuôi mẹ nó chữa trị bằng những bài thuốc từ dân gian, không mất tiền. Lúc nó sốt, đi nhặt cây nhọ nồi ven bờ ruộng giã nát cho nó uống. Nó đi ngoài, bà chạy tìm lá ổi nhai nát mớm cho cháu. Tối gửi hàng xóm trông hộ, soi đèn đi tìm cóc bắt về nấu cháo loãng cho cháu ăn.

Nó cứng cáp một chút, hai bà cháu bồng bế nhau đi ăn xin từ làng ra chợ huyện. Dù nắng hay ngày mưa, dù đông hay hè, hai tấm thân nhếch nhác, một già một trẻ lưu lạc kiếm miếng ăn để tồn tại. Bà một tay bế nó, một tay ngửa nón lá rách, gặp ai cũng cúi đầu lạy lục chờ người ta rủ lòng thương hại, mong người đời làm ơn, làm phước. Nó còn nhớ, ngày đó bà còn có một cái túi cói cũ sờn hẹp bên nách. Rong ruổi cả ngày, lúc được vài hào lẻ, lúc được cái bánh mì, củ khoai, thỉnh thoảng còn được chút thịt thừa từ bà hàng phở chợ huyện cho… tất tần tật những đồ được bố thí đều được bà cho tất vào trong cái túi cói. 

Vào cuối ngày khi về tới nhà là lúc cái túi cói được đổ ra, tất cả những gì kiếm được trong ngày đều ở trong đó. Bà ngồi vuốt phẳng phiu những đồng bạc nhàu nhĩ cất đi phòng ngày mưa bão đong gạo. Ngày đó, lúc nào đôi mắt nó cũng dán vào miệng túi, nó chỉ sợ mất cái túi cói đó bởi nó biết trong đó có chứa miếng ăn, đang chứa sự sống của hai bà cháu nó. Nó biết nếu mất túi nó và bà nó sẽ bị đói.

Rồi đến lúc quãng đường hơn chục cây số từ nhà ra chợ huyện theo thời gian bà cháu nó cũng chẳng xin được miếng ăn nữa. Nhìn bà cháu nó đáng thương lắm, nhưng xã hội cũng chẳng ai dư thừa mãi để có thể ngày nào cũng mang đi bố thí. Quãng đường xin ăn của bà cháu nó ngày càng xa hơn. Cái túi cói mà nó coi như bảo bối ngày càng xẹp lép. Theo thời gian, bà nó ngày càng già đi, lúc đó thì cảnh bà bế cháu giờ được đổi thành bà dắt cháu lang thang. Hai bước chân một dài, một ngắn thất thểu cất bước trên mọi con đường. Tìm nơi đông đúc quán xá, tìm nơi có chợ, có người qua lại bởi ở đó có của bố thí, có cái ăn có thể nuôi sống hai bà cháu nó. Giờ bà nó chỉ đi thẳng theo chiều của con đường, chẳng kịp quay về nhà vì quãng đường xin ăn đã rất xa làng nó. Màn trời chiếu đất, bà cháu nó chia nhau từng miếng bánh, ngụm nước. Tối tối tìm cái hiên vắng, hai bà cháu co ro ôm nhau ngủ để sưởi ấm dưới làn sương lạnh màn đêm.

Rồi cái gió sương của dòng đời mưu sinh đó quật ngã bà nó. Bà nó đổ bệnh, nhìn cảnh bà nó co ro, đứa trẻ ngồi cạnh ngơ ngác, khóc lóc. Những người dân quanh đó đã phát hiện đưa bà nó đến trạm y tế. Và cũng nhờ tấm lòng tốt của những người xa lạ cho bà cháu nó tiền để về quê. Chỉ vài ngày ở làng với bà, cái bụng nó lại lép kẹp. Trong suy nghĩ non nớt, nó chỉ biết rằng giờ nó phải đi tự xin mới có cái ăn. Rồi cứ thế nó rời xa làng, rời xa bà ngoại, một mình, cô độc, nhếch nhác, lang thang khi mới chỉ 6 tuổi.

Ảnh minh hoạ.

Vòng xoáy cuộc đời

Với bộ quần áo rách rưới, bẩn thỉu, chân đất, nó men theo con đường quốc lộ kiếm miếng ăn. Nó còn nhớ vào cái ngày đầu tiên một mình đi ăn xin, rất nhiều người tốt bụng cho nó ăn, hỏi han đủ thứ, cho tiền, có cả người muốn đưa nó về nhà. Nó chỉ lắc đầu, nhận đồ bố thí rồi bước đi. Bụng nó đỡ đói nhưng khi màn đêm buông xuống, trên con đường vắng bóng xe, bóng người qua lại khiến nó sợ. Cuộc đời nó từ khi sinh ra đã đói khổ, đã quen với cảnh “màn trời chiếu đất” nhưng lúc trước luôn có bà ngoại ở bên để che chở nắng mưa, đêm nằm sưởi ấm, đuổi muỗi cho nó. Giờ đây chỉ có một mình nó dưới màn đêm tĩnh mịch khiến nó sợ. Dù lạnh dù mệt nó cũng chẳng dám dừng chân mà mắt lúc nào cũng ngước nhìn hướng tới bóng sáng của các cột đèn trên đường để nối tiếp nhau mà bước đi. 

Trong cái đêm đầu tiên ấy, đã có lúc nó muốn quay lại, muốn trở về bên bà nó nhưng phía trước là bóng đêm, phía sau cũng là bóng đêm khiến nó chẳng thể quay lại. Đêm đó là một đêm trắng với nó, dù chân mỏi nhừ, hai mí mắt díp lại nhưng chẳng dám dừng chân. Rồi ngày hôm sau, hôm sau nữa bắt đầu lặp đi lặp lại. Trời tờ mờ sáng nó kiếm chỗ ngủ, trưa đi xin ăn, đêm xuống lại men theo hàng bóng đèn trên quốc lộ lê bước.

Nó cũng chằng nhớ nổi mất bao nhiêu lâu để lưu lạc tới Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội). Cũng chính tại đây, nó quen được một thằng “anh nuôi” sau một trận đòn nhừ tử vì dám dành “khách ăn mày” của nó. Anh nuôi và cũng chính là “sư phụ” của nó tên Hoàng, hơn nó 5 tuổi, cũng làm ăn xin nhưng kiêm thêm cái nghề “2 ngón”. Sau trận đòn, chiều muộn hôm đó nó được đưa về cái lán nhỏ sau bến không xa, ở đó có một nhóm 9 đứa đứa cả nam lẫn nữ chỉ nhỉnh hơn nó một chút. Sau câu chuyện lắp bắp kể về gia cảnh. Nó được chia cho 1 chiếc bánh mì có rau, có thịt và đó cũng đồng nghĩa với việc nó được mọi người cho nhập hội. 

Người đứng đầu cũng như quản lý nhóm bọn chúng tên Tú, quê ở Nam Định. Tất cả nhóm gọi Tú bằng bố. Tú khoảng trên dưới 40 tuổi, da ngăm đen, đầu cua với chằng chịt những vết sẹo mang dấu tích của những trận chiến giang hồ. Địa bàn hoạt động của  chúng nó chủ yếu trong khu vực bến xe nước ngầm. Ngày hôm sau “anh nuôi” Hoàng có nhiệm vụ đi kèm và chỉ bảo cho nó cái nghệ của thằng ăn mày. Từ lời ăn xin thế nào, cách làm tay chân giả vờ tật nguyền ra sao, đến lăn lê bò toài đều phải học hết. Ngày cả cách đeo bám, mè nheo làm người ta móc ví cho tiền với từng mặt người Hoàng đều thực hành cho nó xem, cho nó học. Để rồi bắt đầu từ đây, những thói hư tật xấu của cuộc đời bắt đầu len lỏi đi vào trong con người nó, ăn vào tính cách của nó khi vẫn tuổi trẻ thơ.

Giang hồ có quy tắc của giang hồ, lẽ đương nhiên ăn mày cũng có cái luật riêng của nó. Sau thời gian được Hoàng hướng dẫn, nó phải tự mình bắt đầu kiếm tiền. Tiền kiếm được, chiều tối mang về lán như các đứa trẻ khác trong nhóm, phải nộp lại cho Tú. Lão ta gọi tiền chúng nó cúng nạp là tiền cho chỗ ăn, chỗ ngủ và tiền bảo kê địa bàn cho chúng nó có thể ăn mày. Những ngày ít tiền chúng nó bị những trận đòn nhừ tử, nhẹ thì bị đánh bằng tay chân, nặng thì bằng gậy và roi mây mà lúc nào Tú cũng dựng ở sau cánh cửa. Những nhát gậy nhát roi quật thẳng tay lên mình mẩy để lại những vết bầm, vết sẹo chằng chịt. Và đáng sợ hơn là sau những trận đòn, chúng nó sẽ bị phạt bỏ đói ngày hôm đó. Tội cất giấu tiền riêng còn bị nặng tay hơn, có lần trong nhóm có một thằng bé hơn nó 3 tuổi bỏ trốn, vài ngày sau bị Tú tìm và bắt lại. Tú dùng những đòn tra tấn dã man khiến cả nhóm chúng nó đứng nhìn sợ tái mặt. Và trên thân thể nó bắt đầu hằn lên những vết sẹo chằng chịt, những vết sẹo mà cuộc đời ăn mày đã ban cho nó.

Ảnh minh hoạ.

Ở khu vực chúng nó hành nghề, cái uy của Tú “sẹo” giúp chúng được yên ổn, chẳng bị ai đụng tới, nếu chẳng may bị khách đánh chửi sẽ có người của Tú ra can thiệp, gây sự để chúng nó có cơ hội chuồn đi. Rồi làm ăn mày cả ngày cũng chẳng đủ tiền nộp cho Tú “sẹo”, để tránh những trận đòn đáng sợ, nó học thêm nghề “hai ngón” từ Hoàng. Nó học nhanh, vào nghề cũng nhanh. Từ đó nó chẳng bị đòn vì đã có thể cống nộp đủ số tiền cho Tú “sẹo”. Đôi lúc còn được miếng ăn ngon hơn, nhiều hơn. Ngày qua, tháng lại những thói hư tật xấu, thói lừa lọc, trộm cắp, mất dạy của cuộc sống đầu đường xó chợ nó đều học hết. Và nó dùng chính những cái mất dạy đường chợ học được áp dụng lại với đời, với người.

Trong một vụ đâm chém giành địa bàn ở bến, Tú “sẹo” bị bắt, nhóm ăn mày kiêm “hai ngón” đó bị giải tán. Chúng được tự do, mỗi đứa một phương tự đi kiếm ăn, tự lăn lội để sinh tồn. Lúc này nó với Hoàng thành một cặp “song sát” lăn lộn khắp nơi trong thành phố hành nghề ăn mày kiếm “hai ngón”. Giờ đồng tiền kiếm được chẳng phải cống nộp như trước, chúng nó bắt đầu làm chủ được đồng tiền kiếm được. Sau mỗi phi vụ, những bộ quần áo mới được đắp lên người, mái tóc xoăn luôn bết bẩn giờ đã được thay đổi bằng đủ loại mầu sắc xanh đỏ. Nó bỏ hẳn nghề ăn mày, giờ chỉ theo Hoàng móc túi, trộm cắp lặt vặt quanh các khu chợ chúng nó đi qua. 

Có tiền, có cái ăn rồi nó được cả anh nuôi đưa luôn vào đời, chỉ hơn 9 tuổi nó đã nghiện ma túy. Để có tiền chơi, chúng ngày càng manh động, liều lĩnh kiếm tiền đổ hết vào thú vui chết người đó. Cái nghề “hai ngón” giúp nó kiếm tiền nhanh nhưng ma túy đã đốt hết những đồng tiền đó còn nhanh hơn. Từ hút chuyển sang chích, và nó như bị hối thúc lao vào vòng xoáy kiếm tiền, xoay xở để có tiền mua ma túy. Trong một lần hành nghề “hai ngón” ở chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), cả 2 thằng bị tóm gọn. Sau trận đòn nhừ tử của người đời, anh nuôi nó vào tù còn nó đi trại giáo dưỡng.

Trại giáo dưỡng là nơi dạy cho nó mặt chữ, nghề để sống, nhưng với nó đó là những ngày tháng tối tăm trong cuộc đời. Môi trường khắc nghiệt chứa toàn những “nhân phẩm lỗi” giống nó dạy cho nó rằng: “Trên cái dòng đời mà cá lớn nuốt cá bé đã trở thành chân lý thì tất cả những suy nghĩ nhường nhịn chính là nấm mồ tự chôn mình”. Những vết sẹo ngang dọc, chằng chịt trên 2 cánh tay là cách nó thể hiện sự liều lĩnh bất cần với những đứa trẻ khác như nó trong trường, để không ai chạm vào người nó được. Nhưng cũng bởi cái hình dáng xấu xí, đôi mắt gian manh khó ưa mà tạo hóa đã ban tặng cho nó nên nó luôn bị “vào đèn” những học viên khác. 

Hai năm sống trong trường giáo dưỡng với nó là thời gian phải gồng mình lên để chiến đấu, để tồn tại. Quãng thời gian này nó cũng học hỏi thêm được đủ thói thư, tật xấu của những thằng lăn lộn ngoài xã hội như nó. Cuộc đời nó sinh ra đã vốn cô độc, luôn đơn độc đối diện với bão tố của vòng xoáy sinh tồn. Và từ những thứ gọi là cặn bã đó đã biến nó thành một “bản lỗi” từ thể xác lẫn tâm hồn, biến nó thành thằng lưu manh thực thụ.

Ngày ra trại, không nghề nghiệp, không học hành, không gia đình, không tiền bạc. Nó cũng chẳng về quê thăm bà, bước chân luôn vào con đường cũ, cái lối mòn nó đã đi. Với cái nghề “hai ngón”, nó lại bắt đầu cuộc sống mới ngoài xã hội. Và cũng chẳng mấy, khi đã kiếm được tiền nó lại tái nghiện ma túy. Lao vào cuộc sống vật vờ, bờ bụi trước cổng công viên, bến xe, chợ búa chờ ai hở ra là móc, rạch túi. Vòng xoáy tiền và ma túy lại một lần nữa tóm lấy cuộc đời nó. Với bản chất manh động, liều lĩnh học được từ trường đời, cộng với bản thân đang lệ thuộc vào ma túy. Nó đi móc túi độc lập mà cũng chẳng có nhóm giang hồ nào dám động tới nó. Dù phải đối diện với rất nhiều lần vây đánh, những trận đòn tàn khốc nhưng nó vẫn luồn lách thoát thân. Lúc này đây với nó ngày mai không quan trọng, cái nó cần là làm thế nào để kiếm đủ tiền mua đủ ngày ba cữ thuốc để tránh khỏi sự vật vã điên dại do ma túy đem lại…

Ảnh minh hoạ.

Ước mơ của kẻ ăn mày

Sự manh động, coi thường pháp luật của nó không thể thoát khỏi cán cân của công lý. Trong một lần móc túi tại khu vực bến xe Kim Mã (quận Ba Đình), nó đã bị sa lưới pháp luật. Những phi vụ móc túi của nó trước đây bị phanh phui. Với số ma túy khám xét trong người, nó phải đối diện với bản án 5 năm tù cho hai tội danh: Tàng trữ trái phép chất ma túy và Trộm cắp tài sản.

Sau thời gian dài bị lệ thuộc vào ma túy, giờ đây nó đã có thời gian, có nơi để giúp bản thân trải qua những ngày hành xác, vật vã chết đi sống lại để thoát ra. Khi đầu óc thoát ra khỏi sự u mê, ngày qua ngày sau bốn bức tường trại giam, nó bắt đầu hiểu được cái giá trị khi được tự do. Số phận không cho nó cơ hội, càng không có sự ưu ái. Ngay từ khi nó chào đời, nó không được lựa chọn cuộc sống cho chính mình. Nó sinh ra là để gánh chịu những nghiệt ngã, bi ai, khốn khổ của số phận, của cuộc đời. Với nó đơn giản sống chỉ để “xin” cái ăn cho vào bụng, rồi từ “xin” đời đã dạy cho nó “trộm” để rồi có kết cục như hiện tại. 

Cái bất hạnh lớn nhất cuộc đời nó là có cha mẹ cũng như không. Trong màn đêm lạnh giá chốn lao tù, nó hiểu rõ nó đã đánh mất những điều đơn giản nhất mà một người bình thường có, như đi lại, tới miếng ăn, thậm chí cả giấc ngủ. Cuộc đời nó đã sinh tồn để kiếm lấy miếng ăn, nhưng giờ đây trước cái ăn không phải đánh đổi, không phải vất vả đi kiếm này nó chợt thấy ân hận.

Cuộc đời nó như cái cây ngọn cỏ, tự nhiên ở trên đời rồi chẳng biết từ đâu mà nó có thể tồn tại. Nó cũng có ước mơ ấp ủ như bao đứa trẻ khác. Nó muốn có bố, có mẹ ở bên cạnh, muốn được đi học, muốn được mặc quần áo mới, muốn được ăn những gì mình thích. Sâu thẳm trong cái tâm hồn lạc lối đó, nó vẫn luôn có một ước mơ, một khát vọng nhỏ nhoi là được ăn một bữa cơm gia đình do chính tay mẹ nấu, trong bữa cơm đó có bà ngoại và cả người cha. Nhưng với nó bất cứ ước mơ nào cũng là điều xa xỉ, bởi cuộc sống không cho nó quyền lựa chọn…