Những đứa trẻ lạc lối: 6 - Bông cỏ may lạc giữa dòng đời

Trong cuộc sống, mái ấm gia đình luôn là cái nôi, môi trường đầu tiên tạo nên tính cách và con người mỗi chúng ta. Thế nhưng, gia đình nếu không ấm êm, đủ đầy yêu thương và giáo dục của cha mẹ sẽ trở thành khởi nguồn tạo nên những “vết rạn” trong tâm hồn mỗi đứa trẻ. Để rồi khi lớn lên, những “vết rạn” đó ngày càng hằn rõ hơn, và đến lúc nào đó đẩy những đứa trẻ đó vào những va vấp, cạm bẫy và thậm chí là những tội lỗi không thể cứu vãn. Để đến khi vương mình vào vòng lao lý, những đứa trẻ đó mới thấm thía bài học đầu đời, và chẳng biết tương lai sẽ đi về đâu...

Một sáng tác của Khánh Tùng.

Là con thứ trong gia đình có 3 chị em, dù có bố, có mẹ đầy đủ nhưng Trần Thanh Lan (tức Lan còi, ngụ tại quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn thất học bởi nó muốn thế. 14 tuổi đập đá, 16 tuổi làm mẹ, 17 tuổi chồng mất. Rồi cơn bão ma túy đá quét qua làng, nó bị cuốn trôi. Cho tới khi phải trả giá cho cuộc đời, nó chợt nhớ ra nó còn có một đứa con trai, nó đã làm mẹ. Lần thứ ba trong đời, giọt nước mắt muộn màng rơi xuống khi tấm thân ngã gục sau song sắt, Lan cũng chẳng hiểu nó đang khóc cho ai. Khóc cho chồng mất mà chưa kịp đăng kí kết hôn, khóc cho con thơ bơ vơ không cha, không mẹ hay khóc cho chính cuộc đời ai oán của nó…

Ảnh minh hoạ.

Tuổi thơ bên “ánh đèn mờ”

Theo lời kể của người lớn, Lan biết câu chuyện về việc mình được sinh ra khác với những đứa trẻ khác. Mẹ của Lan phạm tội chứa chấp mại dâm và bị kết án lúc mang bầu nó. Nhờ lượng khoan hồng của pháp luật, mẹ của Lan được tại ngoại để sinh con. Cũng nhờ vậy mà Lan được chào đời đủ cha đủ mẹ như bao đứa trẻ, nhưng ngày nó phải xa bầu sữa cũng là ngày mẹ nó đi “trả án”. Nó lớn lên bên cạnh người chị lớn hơn nó 3 tuổi, bên cạnh ông bố uống rượu thay cơm và hàng tá bà cô, bà chị trong cái động mại dâm “hái ra tiền” mà mẹ nó phải đánh đổi bằng những ngày tháng lao tù xa chồng, xa con. 

Trong trí nhớ của nó lời ru đưa nôi của mẹ được thay thế bằng tiếng nhạc xập xình trong ánh đèn mờ ảo và tiếng nói cười tục tĩu của những ả buôn hương, bán phấn sống cùng nhà. Và cũng chẳng thể đếm hết được những cánh tay đã bồng bế nó qua những tháng ngày ấu thơ. Hàng tháng nó cùng chị theo bố tay xách, nách mang bồng bế nhau lên Trại giam Thanh Xuân thăm nuôi mẹ, ngước nhìn bố và chị qua bên kia tấm kính nhà thăm gặp.

Lên 5 tuổi, nó đã có thể cùng chị chia đôi công việc gia đình mà đáng ra đó là việc của mẹ nó. Lúc bố vắng nhà, chị nó đi học, nó còn ngồi trông cửa hàng. Ngày nó vào lớp 1 cũng là ngày mẹ nó ra trại. Với mẹ nó đây là lần thứ hai đi tù, lần thứ hai xa nhà. Từ ngày mẹ về, những bữa cơm của chị em nó được đầy đủ hơn nhiều món ăn ngon hơn và đúng giờ hơn. Nó thích nhất vẫn là ngày nào cũng có bố ngồi ăn cùng, không như trước, chỉ có hai chị em ngồi gắp cho nhau ăn. 

Khác với chị nó, nó còi và đen nhẻm do hàng ngày đi bêu nắng cùng đám trẻ trong xóm, bởi thế mà ai cũng gọi nó là con “còi”. Ngày cắp sách tới trường, nó cũng háo hức như bao đứa trẻ khác bởi ở đó có nhiều bạn cùng tuổi. Nhưng với những tai tiếng của bố mẹ ra tù vào tội, nó đến trường cũng chẳng nhiều bạn hơn là bao. Những đứa trẻ khác luôn tìm cách tránh xa lánh nó, nhìn nó với những ánh mắt thiếu thiện cảm. Trong những cuộc chơi nó luôn bị tẩy chay, cô lập mà chẳng hiểu vì sao. Những đứa trẻ nói, bố mẹ nó đi tù, là người xấu dù chúng cũng chẳng hiểu những lời chúng nó nói ra có ý nghĩ như thế nào. Người bạn thân duy nhất trong trường chính là chị của nó, hai đứa trẻ bị cô lập, tự bảo vệ lẫn nhau, an ủi nhau, chơi cùng nhau.

Rồi những háo hức tới trường ban đầu của nó dần tan biến, hóa thành nỗi buồn bực, tức giận trước những ánh mắt xa lánh, lời nói trêu trọc, mỉa mai từ những đứa trẻ xung quanh. Lên lớp 4 nó bỏ học ở nhà phụ mẹ trông quán “đèn mờ”. Việc nó bỏ học đối với bố mẹ nó cũng chẳng phải chuyện to tát. Bố mẹ nó cũng quát, cũng mắng chửi vài câu qua loa, còn nó ngồi lì ra nghe vậy là xong. Trong suy nghĩ của nó, bố mẹ cũng đâu có cần học hành gì mà vẫn kiếm được tiền. Như lời bố mẹ nó nói, chỉ cần biết cái chữ đủ để đếm và phân biệt mặt tiền là sống được rồi.

Từ ngày nó nghỉ học, nó ở nhà trong cửa, trông xe cho khách ra vào quán. Khách vào nhà nó toàn đàn ông. Già, trẻ, lớn, bé đủ cả, nhưng điểm giống nhau là người nồng nặc mùi rượu giống hệt bố nó. Sau khi đưa tiền “vào cửa” cho bố, khách chọn một trong những bà chị trong nhà nó, khoác tay nhau lên lầu cũng chẳng quên buông những lời tục tĩu mà nó đã quá quen thuộc. Khi vắng khách, mấy chị mắt xanh mỏ đỏ, váy ngắn ngồi đánh bài, nó ngồi xem và thỉnh thoảng kiếm được chút tiền nhờ làm chân sai vặt. Lắm khi gặp được ông khách hào phóng, “xong việc” họ đi qua lại hứng chí cho nó vài đồng... 

Không lâu sau mẹ nó mở thêm hàng nước, ghi lô đề đầu ngõ, nó cũng ra phụ mẹ bán hàng. Cả bố và mẹ đều nghiện cờ bạc, bố đánh xóc đĩa, mẹ thích tá lả. Quán nước hầu như chỉ mình nó ngồi bán vì mẹ nó bài bạc cả ngày, chỉ xuất hiện vào buổi chiều lúc lắm khách ghi lô đê, sau giờ kết quả mẹ nó lại đi mất. Bố cũng giống mẹ, vào những lúc quán vắng khách “mua hương”, bố tổ chức mấy chiếu phỏm, chắn cạ, lắm lúc đánh cả xóc đĩa để thu hồ (tiền khách ngồi đánh). Nhà nó kiếm ra tiền nhưng “vào lỗ hà ra lỗ hổng”. Được bao nhiêu bố mẹ nó nướng hết vào xới bạc. Cũng vì thế, 2 chiếc xe ga lúc ở nhà, lúc ở trọ “cầm đồ” là chuyện bình thường. Nó cũng có tiền, bán hàng bớt được, khách tới nhà chơi, tiền trông xe, tiền khách trúng lô đề thưởng, phát lộc cho… nó cất dùng riêng, không bao giờ đưa bố mẹ.

Ảnh minh hoạ.

Yêu cuồng, sống vội

Năm nó 12 tuổi, bố bị bắt trong khi tổ chức cho khách đánh xóc đĩa trong nhà. Lúc công an ập vào bắt, nó cùng mẹ ra sức giật áo kéo tay, kêu gào cho bố chạy nhưng không thoát. Chị em hàng tháng lại cùng mẹ tay xách nách mang thăm nuôi ông bố ở tù. Từ ngày bố nó bị bắt, quán nước mẹ nó giao hẳn cho nó trông nom, ghi đề, còn mẹ nó vào trong nhà thu tiền, duy trì cho quán hoạt động như cũ.

Năm 13 tuổi, nó lần đàu nếm mùi yêu với một cậu trai tên Toàn ở xóm bên, là khách ruột ghi lô đề nhà nó. Toàn hơn nó 5 tuổi, là dân chơi trong khu phố. Khuôn mặt lành lạnh, mái tóc lúc vàng lúc đỏ, chạy xe cũng vào hàng “tổ lái”, hút thuốc, lô đề, cờ bạc biết đủ cả. Còn một điểm Toàn và nó giống nhau là bỏ học sớm. Sau vài lần qua lại ghi lô đề, chúng nó quen nhau. 

Lan biết yêu nhanh và cũng vì thế mà sống vội, chỉ qua vài lời nói chuyện hợp cạ, nó cùng nhau đi ăn, đi chơi nó trao luôn đời con gái cho Toàn. Nó không có quan niệm về sự trinh trắng bởi như ở quán nhà nó, ngày nào các chị đi với vài khách là chuyện bình thường. Với nó đơn giản yêu là cháy hết mình. Vướng vào yêu, và cũng chẳng có ai để ý, quản lý nó bắt đầu trốn nhà đi chơi đêm với người yêu. Rồi thời gian sau, nó phát hiện người yêu nó nghiện đá. Nó thích Toàn, đi theo Toàn cùng ăn, cùng ngủ rồi cả cùng chơi ma túy. Toàn cũng chẳng có nghề ngỗng gì, tài sản duy nhất là chiếc “Dream chiến” nhà cho. Ngày ngày đi đánh bóng mặt đường, theo các anh đi thu họ rồi đòi nợ thuê, kiếm được bao nhiêu thì đem đi ghi lô, cá độ đá bóng. Tiền kiếm được không ném vào cờ bạc thì cũng mang đi “đập đá”. Được nhiều thì ăn tiêu, mua sắm, thua thì tìm cửa “bốc họ” rồi lại đi “cày” tiếp.

Từ ngày đến với Toàn, tần suất bỏ nhà đi theo những cuộc bão đêm, đua xe, đánh nhau và hút ma túy của nó cũng tăng dần lên. Chỉ khi cả hai đứa đặt xe, điện thoại bán, nợ nần chồng chất không còn cửa xoay nữa thì mới vác mặt về nhà xin tiền. Mẹ nó đánh có, chửi có, thậm chí xích nó vào cửa nhà nó vẫn chẳng sợ. Cũng chỉ được dăm ba ngày ở nhà là nó lại cùng người tình trốn đi, khi đi không quên “tiện tay” dắt theo chiếc xe máy hay vài món đồ có giá trị của mẹ, của chị nó. Phát hiện nó chơi đá, sau cái tát nảy lửa, mẹ nó cũng chỉ biết bất lực mà thốt lên: “Tao không dạy được mày thì để đời nó dạy mày con ạ”. Từ ngày đó nó luôn nhận được sự đề phòng của những người sống cùng trong nhà.

Thời gian sau, nó theo Toàn ngập sâu vào ma túy đá. Tìm đủ mọi cách xoay tiền để chơi mà không đủ, Toàn xoay ra mua hàng ma túy về đóng thành gói nhỏ bán lại cho đám nghiện cùng khu phố. Lúc này Toàn cùng nó về nhà, phụ mẹ trông quán những lúc mẹ nó đi đánh bài, rồi ăn ngủ tại nhà nó luôn. Toàn nghiễm nhiên trở thành con rể nhà nó mà chẳng cần phải đăng kí, cưới xin. Năm 16 tuổi, nó có thai.

Niềm vui cũng chẳng tày gang, cuộc đời nghiệt ngã giáng xuống đầu nó một đòn bất hạnh. Khi nó mang thai tháng thứ 7, Toàn trong lần đi giao ma túy cho khách bị tai nạn, chết trên đường đi cấp cứu. Lúc nhận được tin báo, nó lên phòng đóng cửa ngồi thu lu trong bóng tối, những giọt nước mắt đong đầy hai khóe mắt rồi từng hạt, từng hạt theo gò má nhỏ tí tách xuống nền gạch lạnh buốt. Đây là lần thứ hai trong đời nó khóc, lần đầu tiên có lẽ là lúc nó chào đời. Trên bàn thờ nhà nó từ đó có thêm một tấm ảnh của Toàn - bố của con nó. 

Mất đi người yêu, nó bị trầm cảm. Con người nó vốn đã lầm lì ít nói giờ như bị câm hẳn. May mắn bên cạnh nó  lúc đó còn người chị gái để ý, chăm nom mẹ con nó mời thoát khỏi tử thần sau 2 lần nó cắt tay tự tử. Tới ngày sinh, một bé trai kháu khỉnh chào đời như thể món quà ông trời ban cho để khơi dậy tình mẫu tử, để nó biết trân trọng mà làm lại cuộc đời…

Vậy nhưng phải làm mẹ ở cái tuổi còn non nớt, chưa đủ chín chắn lại thêm cái tang chồng ập xuống khiến Lan “còi” vốn lì lợm lại càng sắt đá. Cái cảm giác đau khổ tuyệt vọng, chới với nó cũng gạt bỏ nhanh chóng. Đứa trẻ nó mới sinh ra cũng chẳng làm nó bận tâm. Con khóc gọi bà, con đói gọi chị, nó cứ thẫn thờ nhìn đứa trẻ gào khóc. Mẹ nó, chị nó hết mắng lại chửi nói: “Con mày sinh ra mà mày cứ coi như con nhà hàng xóm”. Vậy nhưng những lời nói đó đối với nó nào có chút nghĩa lý gì, đứa con mới được 3 tháng, Lan “còi” đã lại bỏ nhà đi đêm tụ tập cùng nhóm bụi đời bạn cũ của Toàn. Chẳng bao lâu, nó quay lại con đường cũ lô đề, cờ bạc rồi ma túy.

Qua những cuộc tụ tập “ đập đá”, nó gặp Trung, một bản sao của Toàn về tính cách và chơi bời. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, hai con nghiện ma túy đá quấn lấy nhau tạo thành một cặp. Và lần này để lấy tiền chơi đồ, nó cùng người tình bán ma túy, lấy ngắn nuôi dài. Nó về nhà lừa mẹ, lừa chị lấy xe máy mang đi cầm cố lấy tiền làm vốn rồi cùng Trung xuống Hải Phòng mua ma túy đá về bán lẻ cho những khách quen là thanh niên trong khu vực. Lúc này nó bỏ nhà, bỏ đứa con nhỏ chỉ vài tháng tuổi ra ngoài ở cùng Trung, sống một cuộc sống đầu đường xó chợ. Bãi đáp hàng đêm của chúng nó là nhà trọ, khách sạn. 

Mọi giao dịch của nó đều qua điện thoại, khách chỉ cần nhắn tin tên hàng, số lượng và địa chỉ là chúng nó cùng nhau đưa đến cho khách. Ma túy “đá” chúng nó gọi là nước, khi nhắn tin là N, Heroin ký hiệu là H. Cứ như vậy việc làm ăn buôn bán của nó và Trung theo guồng mà phát lên. Nhưng cũng vì vậy mà những cơn phê ma túy lại đến với nó nhiều hơn, đều đặn hơn và khiến nó quên mất đứa con của mình. Nó bỏ mặc đứa trẻ mà nó đã mang nặng đẻ đau cho mẹ cho chị. Ban đầu lúc nó mới trốn đi đêm, mẹ nó gọi điện thoại chửi bới bắt về liên tục, chị gái nhắn tin khuyên nhủ đủ điều nó chán nghe thì tắt máy, thay sim. Lúc nào cần gì, muốn gì tự khắc nó về nhà trình diện. Có đánh, có mắng, có chửi nó cũng chỉ lặng im, lầm lì chốc lát rồi lại biến mất.

Bước chân vào giang hồ lấy những việc làm ngoài vòng pháp luật để kiếm tiền thì việc ra tù, vào tội cũng là điều lúc nào gia đình nó cũng luôn phải chấp nhận. Vào thời điểm bố nó còn 3 tháng nữa là mãn hạn tù thì mẹ nó bị bắt lần thứ ba. Với tình tiết tái phạm nguy hiểm, tòa xử mẹ nó 7 năm 6 tháng tù giam. Quán nhà nó bị giải tán, đám gái “buôn hương, bán phấn” cũng tứ tán khắp nơi. Khi đó, nó quay về thì giờ căn nhà đã âm u, ánh đèn mờ ảo và chỉ còn hai chị em cùng một đứa trẻ nương tựa vào nhau. Đứa bé vừa lẫy, vừa bò, cánh tay vươn lên khóc nấc đòi mẹ nó cũng dửng dưng chỉ biết đứng nhìn mặc cho chị gái nó chăm bẵm, cũng bởi từ khi sinh ra nó cũng đâu mấy đoái hoài đến đứa con nên cũng chẳng biết làm gì cho đúng.

Ảnh minh hoạ.

Phía sau song sắt

Nó cùng Trung hàng ngày vẫn đi bán ma túy để kiếm tiền. Hai cái “ xác ve” nghiện ngập, cùng những hành vi thậm thụt bất minh của chúng chẳng thể thoát khỏi tầm ngắm của các trinh sát. Trong một lần lên khách sạn khu vực quận Hà Đông đưa “đồ” cho khách chơi, thấy điện thoại, ví tiền của khách để hớ hênh trên bàn, nó cuỗm luôn. Sau vài ngày trốn, nó bị bắt khi trong người còn mang theo ma túy. Với hai hành vi phạm tội là trộm cắp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy, bản án nghiêm khắc của  pháp luật đang chờ nó phía trước.

Sinh ra có bố, có mẹ nhưng con người nó lì lợm, vô cảm. Cũng bởi ngay từ tấm bé nó đã sống và chứng kiến những hành vi ngoài vòng pháp luật của bố mẹ nó đã gây ra nên với nó những điều đó là bình thường. Con người nó không có khái niệm về vi phạm pháp luật. Nó chỉ biết cần tiền thì phải kiếm và kiếm bằng cách nào không quan trọng, thế nào cũng được miễn là ra tiền. Nó cũng từng có cơ hội đi học để nhận sự giáo dục nhưng nó đã vứt bỏ cơ hội đó. Cái cơ hội mà có thể thay đổi cuộc đời, thoát khỏi cách sống như bố mẹ nó. Ở cái tuổi chưa đủ để hình thành nhận thức một cách đúng đắn, nhìn vào cái cách nó ăn, nó chơi, nó yêu một cách bản năng, bởi bên cạnh không có ai kèm cặp, dạy dỗ, chỉ bảo. Trẻ con học bằng mắt, ai làm gì nó học nấy. Những điều nó học được từ chính những hành vi của bố mẹ nó tạo ra. Vậy vào lúc này đây, khi nó đang phải trả giá cho những lỗi lầm, những hành vi phạm tội của mình, một phần lỗi bắt nguồn từ chính những ông bố, bà mẹ đã sinh ra nó rồi vứt nó lay lắt như bông cỏ may hoang dại.

Nhìn vào cái cách nó yêu điên cuông, sống vội liệu đó có phải là tình yêu? Có lẽ tới giờ nó cũng chẳng thể hiểu được tình yêu là gì và cái đẹp và ý nghĩa mà tình yêu có thể mang lại. Nó yêu là dâng hiến, là bất chấp trong sự thiếu hiểu biết, thiếu suy nghĩ và dẫn đến những hành vi phạm tội liên hoàn. Những ngày trong trại giam, lúc trường đời đang cải tạo, dạy dỗ lại nhân cách sai lệch trong con người nó. Đầu óc nó đã thoát khỏi sự u mê của ma túy và dần tỉnh táo lại. Lúc này đây nó mới chợt nhận ra nó đã làm mẹ, nó có một đứa con trai.

Ngày diễn ra phiên tòa, nó gặp bố, chị và con trai, được đọc bức thư mẹ nó gửi từ trong trại giam. Rồi đêm đó trong buồm giam lạnh lẽo, lần thứ ba trong đời nó lại khóc, khóc trong sự im lặng muộn màng. Nhưng chính nó cũng đang phân vân, giọt nước mắt kia rơi xuống dành cho ai. Khóc cho chồng mất, khóc cho mẹ đi tù, khóc cho con thơ bơ vơ không cha, không mẹ hay khóc cho chính số phận nghiệt ngã mà nó đã tự đâm đầu vào. Lúc này đây nó đang phải tự mình cảm nhận nỗi đau, sự cô đơn đang gặm nhấm nó. Nhưng liệu sau khi khóc xong nó có thể tỉnh ngộ, cải tạo tốt để trở về làm người mẹ đúng nghĩa cho đứa bé đã mồ côi cha từ khi lọt lòng, đang bơ vơ ngơ ngác phía bên kia song sắt. Nó tự cười vào bản thân mình: “Cuộc đời trêu ngươi, bây giờ thì đã tới lượt em ngồi bên này tấm kính nhà thăm, nhìn qua bên kia ngắm mặt gia đình”. Giống hình ảnh của mẹ đã in vào trí nhớ của nó khi còn bé thơ. Có đi qua những ngày mưa thì sẽ biết mong những ngày nắng. Mong rằng sau những đêm đen giá lạnh của cuộc đời sau song sắt, ngày trở về Lan “còi” sẽ đổi thay…

(Tên nhân vật đã được thay đổi)