Những đứa trẻ lạc lối: 2 - Thói đua đòi nhấn chìm đời thiếu nữ

Trong cuộc sống, mái ấm gia đình luôn là cái nôi, môi trường đầu tiên tạo nên tính cách và con người mỗi chúng ta. Thế nhưng, gia đình nếu không ấm êm, đủ đầy yêu thương và giáo dục của cha mẹ sẽ trở thành khởi nguồn tạo nên những “vết rạn” trong tâm hồn mỗi đứa trẻ. Để rồi khi lớn lên, những “vết rạn” đó ngày càng hằn rõ hơn, và đến lúc nào đó đẩy những đứa trẻ đó vào những va vấp, cạm bẫy và thậm chí là những tội lỗi không thể cứu vãn. Để đến khi vương mình vào vòng lao lý, những đứa trẻ đó mới thấm thía bài học đầu đời, và hầu như ai cũng đều có chung câu cảm thán: “Giá như gia đình em…”.

Một sáng tác của Khánh Tùng.

Tôi tình cờ gặp Nguyễn Ngọc Mai (còn gọi là Bống “Xa La”, SN 1998) trong một buổi chiều đông tại Khoa phổi - Bệnh viện Hà Đông. Hai tay em bị còng phía trước, phía sau là những chiến sĩ công an áp giải... Một cô bé da trắng, dáng cao, khuôn mặt thanh tú toát lên vẻ ngây thơ của con gái tuổi trăng tròn chưa đến 18, vậy mà em đã sống với cuộc sống “cơm cân, áo số” được hơn 2 năm. Nếu không có chiếc còng lạnh lẽo khóa tay, chắc hẳn em cũng như bao thiếu nữ khác. Tại sao số phận nghiệt ngã lại xảy đến với em?

 

Nỗi ám ảnh từ tuổi thơ

 Ảnh minh hoạ

Mai sinh ra tại một làng quê nghèo thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Thừa hưởng chiều cao của mẹ, nét đẹp của cha, cô gái lớn lên xinh đẹp hơn bao đứa trẻ khác cùng làng. Nhà nghèo, bố theo nghề truyền thống của làng là đi bẫy chim trời, mùa nào thì dong duổi loài chim ấy. Nhà chỉ có khoảnh ruộng nhỏ, mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chỉ đủ gạo ăn cho cả gia đình. Trong khi nhà hàng xóm xây xi măng 2 tầng thì nhà em vẫn tường đá ong, ngói đỏ rêu xanh ẩm ướt. Trong nhà chỉ đủ kê 1 cái giường với cái bàn ọp ẹp dùng để ăn cơm, uống nước, tiếp khách. Vào những ngày mưa lớn, nước theo mái ngói chảy giọt thành vũng trong nhà, mái hai cái màn được đính kèm mảnh vải che mưa. 

Bố của Mai với cây sào, mành lưới rong ruổi trên chiếc xe máy tàu cũ nát đuổi theo đàn chim có khi hàng tuần mới chở về nhà. Tiền kiếm được lúc có lúc không. Hàng đêm, hai mẹ con vẫn còn ôm nhau ngủ trong khắc khoải đợi cửa bố về. Mai kể: “Ngày đó tuy nghèo nhưng vui lắm, xóm giềng hỏi han, nói cười, đùm bọc lẫn nhau. Bát dưa, quả cà muối chiều chiều mời nhau rôm rả. Em trai kém em hai tuổi. Lên 4 em đã phụ mẹ trông em khi mẹ ra đồng, biết phụ mẹ rửa bát, quét nhà, bóp chân cho mẹ. Đủ tuổi em cũng theo chúng bạn cùng làng đi học…”. 

Nhưng bởi vì nhà nghèo, 4 miệng ăn lắm lúc ngủ bụng còn đói cồn cào, vậy nên những ước mơ đơn giản như chiếc váy, chiếc cặp, bộ quần áo mới như các bạn cùng chăng lứa với em là một điều xa xỉ. Nhìn chúng bạn, Mai thấy tự ti vì bộ quần áo cũ sờn, chiếc quần thủng vá lỗ chỗ, cộc cỡn. Sáng tới trường với cái bụng đói, những ánh mắt xa lánh, soi mói, dè bỉu của đám con nhà có điều kiện trong trường, trong lớp luôn dán lên người em bởi nhìn nó nghèo.

Chẳng biết từ khi nào bố Mai bắt đầu uống rượu, ông thường xuyên về nhà trong bước chân xiêu vẹo hàng đêm. Căn nhà nhỏ ấy bắt đầu xuất hiện những tiếng cãi vã, mắng chửi của bố mẹ. Rồi những tiếng cười đùa vui vẻ dần biến mất. Mỗi lần mẹ nó bị bố đánh, chị em nó sợ lắm, dắt tay nhau trốn ra sau nhà nhìn mẹ chịu đựng những trận đòn từ người bố say xỉn. Nó thương mẹ nó lắm nhưng càng sợ bố nó hơn. Rồi thời gian sau, bố nó cũng chẳng đi bẫy chim nữa, tối ngày rượu chè, gánh nặng áo cơm đặt hết lên đôi vai của mẹ, Ngôi nhà giờ đây chỉ yên bình lúc bố nó đi ngủ. Những tiếng cãi nhau, chửi nhau, những trận đòn mẹ nó hứng chịu in hằn trong suy nghĩ, đầu óc non nớt của chị em nó. Với em bố đã thay đổi, nó ghét bố. Mái nhà che nắng che mưa giờ chẳng còn bình yên.

Khi đi học, những đứa trẻ khác háo hức chờ tiếng trống tan trường để trở về nhà, nhưng với Mai thì ngược lại. Nó sợ tiếng trống đó, bởi sau đó nó phải bước chân về nhà. Căn nhà có cơm ăn, có em, có mẹ nhưng khiến nó luôn giật mình sợ hãi. Vết thương khắc sâu trong ký ức của nó vào năm nó lên 10 tuổi. Hôm đó, đi học về, bước chân vào nhà, bố trong men say đã lao vào đánh nó, xé rách chiếc áo lành lặn duy nhất của nó mà mẹ tặng hôm sinh nhật. Sau trận đòn thừa sống, thiếu chết đó, nó đau nhưng bên cạnh nỗi đau thể xác, nó hận bố. Lần đầu tiên nó bước chân ra khỏi nhà trong màn đêm lang thang mà trước đó em luôn sợ bóng đêm.

 

Bước chân trượt ngã

Ảnh minh hoạ

Đường vào làng Mai phải đi qua một con đập nhỏ chứa nước cho những ruộng lúa quanh làng. Những hàng nước chè, quán ăn vặt đầu làng theo năm tháng đổi thay bằng những quán điện tử, internet, quán nhậu. Và đây là nơi tụ tập của đám choai choai nghịch ngợm, phá làng, phá xóm. Vào cái đêm đầu tiên Mai bước chân ra khỏi nhà, nó đã tham gia cùng đám trai làng nghịch ngợm đó. So với đám trẻ bằng tuổi trong làng, Mai hơn hẳn về ngoại hình. Thân hình phổng phao cùng mái tóc đen dài, khuôn mặt xinh xắn, nó đã là tâm điểm chú ý của đám thanh niên trong làng. Và từ đó, một cô bé ngây thơ, xinh xắn đã bắt đầu nhiễm những thói hư tật xấu từ đám trai làng.

Lên cấp hai, những buổi trốn học đi chơi bắt đầu diễn ra thường xuyên. Nó bắt đầu nhận được những món quà, quần áo mới từ đám bạn trai làng đang giành nhau tán tỉnh. Nó bắt đầu biết nhuộm tóc, đánh son, biết nói bậy và tụ tập ở cái đập đầu làng uống rượu. Rồi tới buổi tối, Mai trốn nhà đi cùng nhóm trai làng mặc cho mẹ nó mặc sức cấm cản. Bố thì nát rượu, mẹ thì cả ngày hết đồng áng lại chạy chợ mưu sinh kiếm đủ bốn miệng ăn, tiền học cho chị em nó, tiền mua rượu cho chồng. Đang ở cái tuổi ẩm ương định hình tính cách con trẻ để trưởng thành, Mai gần như không có sự dìu dắt, chỉ bảo của cha mẹ. Việc học của nó ngày càng sa sút, nhận thức của nó được định hình một cách không đúng đắn do thói đua đòi từ những đứa bạn hư hỏng trong làng. Với tính cách ngang bướng, bất cần, qua những vụ xô sát đánh nhau ở trường rồi ở làng. Nó dần trở thành đàn chị của nhóm choai choai trong làng. Bỏ ngoài tai những lời chỉ bảo của mẹ, thầy cô giáo, nó cùng nhóm bạn cùng lao vào những cuộc chơi nét thâu đêm, hát hò, nhậu nhẹt rồi cả đua xe. Là đàn chị thì tất nhiên nó luôn phải dẫn đầu.

Khu vực quán internet đầu làng dần biến thành tụ điểm tập trung của đám thanh niên các làng lân cận. Nhóm trai làng nó và làng bên từ trước đến nay luôn như nước với lửa. Đã có rất nhiều lần xảy ra các vụ xô sát, đánh nhau với vô vàn lý do của trẻ con như nhìn đểu, ngứa mắt. Vào buổi tối đêm giao thừa đón năm mới 2014, nhóm trai làng bên đi chơi qua quán nét làng nó. Nhóm trai làng sang đất khách yếu thế bị đánh sứt đầu mẻ trán bỏ cả xe máy chạy. Để thể hiện bản lĩnh đàn chị, nó dẫn một nhóm đuổi theo dồn đánh. Một cậu trai làng trong thế yếu đành nhảy xuống đập nước tìm cách thoát thân. Nó trên bờ chửi bới rồi cùng đám lâu xâu nhặt đá ném theo. Với câu hiệu lệnh: “Ném chết mẹ nó đi!”, hành vi của nó đã vô tình vướng vào vòng pháp luật.

Cậu trai làng bên chẳng may thiệt mạng, ngay ngày hôm sau cả nhóm bị triệu tập lên cơ quan công an. Chỉ vì sự xô sát của đám trẻ con, một người chết, thanh niên cả làng đi tù. Tính đến thời điểm bị bắt, nó mới chỉ 16 tuổi, mới là học sinh lớp 11. Nó vẫn còn nhớ, ngày hôm đó khi đang ngồi trên lớp học, nó bị triệu tập lên hội trường xã rồi bị đưa lên xe thùng về thẳng công an huyện. Nó bước lên xe thùng cùng nhóm trai làng trong sự bỡ ngỡ của cả làng. Không khí hổ hởi đón tết giờ bao trùm lên sự tang thương từ làng trên xóm dưới. Làng thì đám ma, làng thì nhà nhà lo lắng, hốt hoảng chờ tin con.

 

Trả giá bằng cả thanh xuân

Ảnh minh hoạ

Ở cái tuổi đáng lẽ phải ngồi trên ghế nhà trường, nằm trong sự bao bọc của vòng tay cha mẹ. Chỉ vì thói đua đòi, mải chơi, thích thể hiện, lối sống lệch lạc hành vi của chúng nó đã gây ra phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Pháp luật nghiêm minh, gây tội phải chịu tội, nhóm trẻ đó phải trả giá bằng những ngày tháng ngồi sau song sắt, cải tạo lại bản thân.

Trong một lần đi thăm người bệnh, tôi tình cờ gặp Mai. Cô bé xinh xắn mới chỉ 18 tuổi mà đã phải chôn vùi tuổi thanh xuân vào cuộc sống “ăn cơm cân, mặc áo số” hơn 2 năm rồi. Với bản án qua hai tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nhờ sự khoan hồng của pháp luật với trẻ vị thành niên phạm tội, Mai phải nhận bản án 11 năm tù vì tội Giết người.

Mai bị tạm giam tại Trại giam số 3 (Xa La, Hà Nội) và cũng từ đó cái biệt danh Bống “Xa La” gắn liền với cô. Mắc bệnh phổi, Mai được đưa ra chữa trị tại Bệnh viện Hà Đông. Khác với bệnh nhân bình thường, Mai được đưa ra chữa bệnh với một chế độ đặc biệt, luôn bị canh giữ, 1 chân bị khóa vào giường bệnh bởi một chiếc cùm inox, kèm theo một sợi xích sát to khóa cố định vào giường bệnh… Mỗi ngày, chiếc cùm đó chỉ được mở ra 2 lần để Mai có thể làm vệ sinh cá nhân, còn mọi hoạt động diễn ra chỉ vỏn vẹn trên chiếc giường bệnh. Ở trong bệnh viện, Mai may mắn vẫn còn có mẹ chăm sóc thay chân tay chẳng thể đi lại của em. 

Còn nhớ cái ánh mắt ban đầu em nhìn tôi, ánh mắt mang đầy vể đề phòng, lạnh lùng, toát lên vẻ thách thức, bất cần. Tới khi nói chuyện thì cảm giác khó gần đó bắt đầu tan biến dần. Em có giọng nói dễ nghe, nhí nhảnh kèm theo chút âm điệu bụi đời có lẽ do du nhập từ trại tạm giam. Mái tóc đen dài mượt, khuôn mặt trắng trẻo bầu bĩnh  với đôi mắt to tròn. Dáng người cao, thân hình cân đối. Mẹ em bảo em lớn lên trong tù và dấu vết trường đời cũng in đậm trên bả vai trái. Hình con cá chép hóa rồng màu xanh đen in đậm. Mỗi lần mẹ em nhìn thấy đều thở dài than vãn: “Trời chẳng chịu đất thì đất phải chịu trời”. Đúng hổ dữ cũng chẳng ăn thịt con, nhìn người mẹ cao gầy gò, đen sạm vì gió sương, đồng áng… giờ đây ngoài lo cơm áo gạo tiền cho 3 miệng ăn, nuôi em trai học lớp 1, còn phải chắt bóp tằn tiện từng đồng hàng ngày để hàng tháng có tiền đi thăm nuôi em trong tù, gửi cho em đồng quà, tấm bánh. Chẳng biết trong suy nghĩ của em đã một lúc nào nghĩ tới điều đó? Nghĩ tới mẹ già còm cõi, lóc cóc đi thăm nuôi chẳng kể nắng mưa?

Nếu không nhìn thấy còng tay, cùm chân, sợi xích sắt đen dài lạnh lẽo kia thì chắc hẳn ai nghĩ thiếu nữ xinh xắn đáng yêu kia đang là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ở cái tuổi ẩm ương hình thành nhận thức, suy nghĩ nhưng em đã lạc lối. Lạc lối bởi thiếu sự sát sao chỉ bảo của gia đình, lạc lối bởi thói ham chơi đua đòi, lạc lối bởi thiếu kiến thức, hiểu biết về pháp luật. Ngay cả khi tôi nói chuyện với em, trong cái suy nghĩ non nớt đó vẫn chỉ hiểu rằng: “Chúng nó gây sự đánh nhau với bọn em thì bọn em đánh lại, chứ để chúng nó đè đầu cưỡi cổ à?”. Với tính cách ngang bướng, sẵn sàng đương đầu với những điều mà em cho là sai trái cộng với sự bất cần và thiếu hiểu biết về pháp luật, liệu tương lai phía trước còn điều gì có thể xảy ra? Và đó cũng là điều mà mẹ em luôn trăn trở.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)