Các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng triển khai giải pháp cho vay tiêu dùng thông qua dữ liệu định danh dân cư sẽ hạn chế sự bành trướng của các hình thức tín dụng đen.
Vay tiêu dùng giảm mạnh
Thông tin tại Hội thảo “Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào” do Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 30/11, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 10 tháng năm 2023, hoạt động cho vay tiêu dùng trên địa bàn tăng trưởng chậm.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 10, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng chỉ đạt 955.000 tỷ đồng và tăng 1,4% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, 10 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở mức 18,8%. Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, ông Lệnh phân tích, các khoản vay để mua sắm, sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất là 64%. Điều này cũng đồng nghĩa với hơn 2/3 dư nợ tín dụng tiêu dùng là các khoản vay trung và dài hạn.
Cho vay tiêu dùng theo phương thức điện tử theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã được nhiều NHTM triển khai
Ở quy mô toàn quốc, theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam các quý đầu năm 2023 tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng được cấp phép cũng có sự sụt giảm đáng kể. Tính đến hết quý III/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng của 84 tổ chức tín dụng đạt trên 2.700 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế) và chỉ tăng trưởng ở mức 1,53% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi và đòi nợ bất hợp pháp vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Trong 10 tháng năm 2023, cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát hiện, điều tra và khởi tố gần 540 vụ việc liên quan đến cho vay nặng lãi và khủng bố đòi nợ; truy tố trách nhiệm với hàng nghìn đối tượng về tội cho vay nặng lãi, chiếm đoạt tài sản và cố ý gây thương tích.
Bên cạnh đó, theo các công ty tài chính, hiện nay lợi dụng việc cơ quan công an tích cực triển khai hoạt động trấn áp, xử lý các hành vi đòi nợ trái pháp luật, nhiều khách hàng vay vốn tiêu dùng tại các ngân hàng, công ty tài chính cố tình trây ỳ trả nợ. Thậm chí, tộm phạm mạng lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ bên cho vay
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng, đồng thời hạn chế sự bành trướng của nạn tín dụng đen, Thượng tá Lê Vinh Tùng - Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đề nghị các NHTM và công ty tài chính cần đẩy mạnh phối hợp với ngành Công an và các địa phương triển khai rộng khắp hình thức cho vay tiêu dùng tín chấp thông qua dữ liệu định danh dân cư.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành địa phương cần nhanh chóng phối hợp để hoàn tất xác thực, làm sạch và loại bỏ sim “rác”, tài khoản ngân hàng “ảo”. Đồng thời hỗ trợ các tổ chức tín dụng do nhà nước cấp phép hoạt động rút ngắn thời gian thẩm định, cấp tín dụng cho người vay tiêu dùng đã được xác thực và có nhu cầu vay chính đáng.
Ở góc độ pháp lý, TS. Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thuộc Bộ Tư pháp cho rằng, hiện nay tình trạng cho vay nặng lãi diễn ra phổ biến với mức lãi suất rất cao. Vì thế cần sớm sửa đổi và ban hành những quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Về lâu dài, bà Thanh cho rằng cần xây dựng khung pháp lý, trong đó nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể trây ỳ trả nợ. “Các quy định hiện hành vẫn tiếp cận theo hướng người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế. Trong khi đó, thiếu một số quy định cần thiết ở góc độ đảm bảo lợi ích chính đáng của người cho vay”, bà Thanh nhìn nhận.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, cơ quan quản lý cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tài chính vay trực tuyến, vay ngang hàng... nhằm hạn chế tối đa việc các đối tượng lợi dụng để hoạt động tín dụng đen. Ở góc độ chế tài, các bộ ngành liên quan cần xem xét, kiến nghị sửa đổi các quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính.
Nhiều ngân hàng chủ động kết nối dữ liệu dân cư
Hiện nay hoạt động cho vay theo phương thức điện tử theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã được nhiều NHTM triển khai. Các ngân hàng lớn như: Agribank, BIDV đều đã tiến hành số hóa quá trình khởi tạo khoản vay và thu nợ tự động. Nhóm NHTMCP như: MB, TPBank, VPBank, Techcombank, PVcomBank… cũng đã đầu tư nâng cấp các App di động để mở rộng kết nối dữ liệu dân cư nhằm cho vay tiêu dùng trực tuyến.
Theo Bộ Công an, thời gian qua hoạt động triển khai giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (áp dụng tiêu chuẩn tham khảo tín dụng FICO của Hoa Kỳ) đã được Bộ Công an phối hợp với nhiều tổ chức tín dụng triển khai khá thành công. Theo đó, đến nay cơ bản hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với các trường thông tin dân cư, dữ liệu về căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú. Hiện các tổ chức tín dụng như MCredit, PVcomBank đã thử nghiệm với 30.000 dữ liệu công dân. Kết quả cho thấy giảm tỷ lệ rủi ro khi cho vay từ 7- 20%.