Tướng cướp Hà Thành cuối đời thành cây tầm gửi sống bám mẹ già để qua cơn "phê" ma túy

Bây giờ gặp Trần Đình Thạch (56 tuổi, ngụ phố Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng) không ai có thể ngờ đó là tên tướng cướp một thời khét tiếng. Ngồi xổm ở quán nước vỉa hè trong tư thế "đầu gối quá tai", mắt lờ đờ "vật" thuốc, trông Thạch như một ông lão bảy mươi. Quãng thời gian tội lỗi ngày xưa đã khiến Thạch phải trả giá bằng nhiều án tù, đến cuối đời dặt dẹo, bám vào đồng lương hưu còm cõi của mẹ già, sống mòn như cây tầm gửi.

Một sáng tác của Thanh Huyền Ngọc

Ảnh minh hoạ.

Thoát chết nhờ chiêu "đập gạch vào đầu"

Thạch có rất nhiều biệt hiệu, mỗi biệt hiệu đều nói lên phần nào về con người gã. Biệt hiệu Thạch "đầu đá" bởi thời trẻ, gã luyện được môn công phu tự đập gạch vào đầu mà không hề hấn gì. Gọi là Thạch "đao phủ" bởi sau lưng gã có xăm hình một đao phủ đang vung búa chặt đầu người. Nhưng đến lúc tuổi "xế chiều", dân phố đều gọi gã là Thạch "nghiện". Đơn giản chỉ vì gã nghiện ma túy rất nặng. Tội lỗi cùng với ma túy đã khiến cuộc đời gã rơi xuống tận cùng của vực thẳm, không lối thoát.

Kể về Thạch, dân anh chị trong khu vực đều cho rằng gã là một trong những thành viên đầu tiên của băng "cắt bom" một thời lộng hành ở ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ). "Cắt bom" là từ dùng để chỉ hành động của bọn tội phạm, chuyên dùng dao cắt dây chằng buộc những gói hàng, nhẹ nhàng và khéo léo đến độ nhiều khi chủ hàng không hề hay biết bị mất của. Thạch sinh ra và lớn lên trong thời chiến, cha mẹ chỉ là công nhân nhưng cũng chưa bao giờ để gã phải đói ăn khát uống. Có lẽ vì tương đối được yêu chiều nên gã sớm trở thành loại người không chịu được gian khổ. Đến tuổi đi bộ đội, sợ phải ra chiến trường tên bay đạn lạc, Thạch đào ngũ trốn về. Quãng thời gian chui lủi ở một số tỉnh phía Bắc, trốn tránh sự truy bắt của lực lượng quân pháp, Thạch nhanh chóng nhập bọn với đám du thủ du thực chuyên trộm cướp ở các ga tàu. Vài năm sau dạt dần về Hà Nội, Thạch đã là một tội phạm chuyên nghiệp, nhảy tàu như sóc, trộm cướp "nhanh như chảo chớp". Bấy giờ, ga Hàng Cỏ là một đầu mối trung chuyển hàng hóa đi các nơi, lượng người luôn đông đúc và phức tạp nhiều thành phần, là cơ hội "kiếm ăn" cho các loại tội phạm. Chân ướt chân ráo xuất hiện, nếu không có ngón nghề "đập gạch vào đầu" thì Thạch đã bị đám giang hồ ở ga "làm thịt".

Một chiến hữu của Thạch thời đó kể lại vào khoảng năm 1977, ngày đầu tiên "hành nghề" ở ga Hàng Cỏ, Thạch đã gặp may, móc túi của một hành khách được một số tiền. Đang hí hửng đếm "chiến lợi phẩm" ở một góc sân ga, Thạch bỗng tá hỏa khi bị bao vây bởi gần chục tay anh chị. Thằng cầm đầu vung vẩy chiếc lưỡi lê sáng loáng "Chú em dám làm ăn của ở khu vực của bọn tao, không muốn sống nữa phải không?" Đánh nhau thì chắc chắn thua, chạy cũng không thoát, Thạch đành phải tính bài liều. Gã vớ một viên gạch xây lên, nhưng không phải để ném vào đối thủ mà lại tự đập vào đầu mình cái "bốp". Viên gạch vỡ đôi trong khi đầu gã chỉ xây xước chứ không hề hấn gì. Quăng nửa viên gạch còn lại đi, Thạch dằn giọng "Tao cũng là người Hà Nội, trốn nghĩa vụ nên vừa ở xa về. Chúng mày định dở trò "chó cậy gần nhà" nhưng đầu chúng mày có cứng được bằng đầu tao không?" Thực chất, đây là ngón nghề Thạch học được ở vùng sơn cước trong quãng thời gian trước đó. Chỉ dựa một phần vào sức chịu đau, một phần vào cách đập hòn gạch vào đầu. "Chiêu" này đã giúp gã nhiều lần tránh được ẩu đả chứ bản thân Thạch cũng chỉ biết dăm ba miếng võ gọi là. Bấy giờ, đám anh chị ga Hàng Cỏ khiếp vía, tưởng Thạch là một "cao thủ võ lâm" nên chấp nhận cho gã nhập bọn. Thạch có biệt hiệu "đầu đá" từ lúc đó. 

Hoạt động tội phạm thời gian này, Thạch nhanh chóng nổi danh vì sự khéo léo, nhanh nhẹn của mình. Gã thường cầm đầu băng nhóm đeo bám theo các đoàn tàu. Những toa chở hàng có người canh gác cũng bị "qua mặt" bởi "kịch bản trộm cắp" của Thạch. Toa chở hàng thường là toa lộ thiên nên Thạch cùng vài đồng bọn thường bám ở thân tàu. Chờ cơ hội thích hợp, Thạch nhanh chóng dùng dao cắt dây chằng buộc giữa các kiện hàng. Hàng phía dưới tuồn ra, Thạch lập tức đưa thân mình vào đỡ hàng phía trên rồi nhẹ nhàng hạ xuống sàn tàu. Kiện hàng lấy được vừa lẳng xuống đường tàu thì quy trình đó lại tiếp diến với những chồng hàng khác. Vấn đề là Thạch luôn "quái" ở chỗ không tham. Mỗi một chồng hàng, gã chỉ lấy vài kiện nên người canh gác rất khó phát hiện. Và cũng chỉ vừa sức để vác đi là Thạch dừng lại. "Cắt bom" mãi đến năm 1979, khi các cơ quan chức năng ra tay quyết liệt, băng nhóm của Thạch mới tan rã. Hầu hết đồng bọn bị tóm cổ, chỉ có gã may mắn trốn thoát.

Ảnh minh hoạ.

Tướng cướp cuối đời thành cây tầm gửi

Không còn chiến hữu bên cạnh nhưng Thạch vẫn tiếp tục lún sâu vào tội ác. Lúc này, Thạch đã bắt đầu nghiện thuốc phiện. Cơn vật vã cùng nàng tiên nâu đã biến Thạch trở thành ác thú. Vụ việc gã gây ra ở phố Tôn Đản (quận Hoàn Kiếm) khoảng cuối năm 1979 đã khiến nhiều người chứng kiến phải kinh hoàng. Vừa bước ra từ một "động" thuốc phiện, chưa đã cơn thèm, Thạch cùng một đồng bọn đạp xe tìm kiếm "con mồi". Đến đầu phố Tôn Đản, đoạn gần Nhà hát lớn, Thạch phát hiện một phụ nữ ngồi xích lô, đeo đầy vàng ở tay. Những chiếc nhẫn sáng chóe khiến đầu óc gã như mụ mị. Giữa ban ngày ban mặt, không thể chặn đường trắng trợn cướp bóc nhưng gã vẫn thúc đồng bọn bám theo. Đến gần cuối phố, tương đối vắng người, Thạch nhảy xuống chạy bộ đuổi theo xích lô. Vừa lúc người phụ nữ xấu số thò bàn tay đặt lên thành xích lô, Thạch rút con dao phay sắc lẻm, thủ sẵn trong người vung lên thật mạnh. Một tiếng thét thất thanh. Mặc nạn nhân lăn lộn đau đớn, Thạch lạnh lùng cúi nhặt bàn tay đeo đầy nhẫn, nhảy lên xe của đồng bọn và chạy thoát. 

Sau khi gây án ghê rợn, biết nếu ở lại Hà Thành thì trước sau cũng bị tóm cổ, Thạch trốn chạy lên Phú Thọ, nơi gã đã từng hoạt động thời gian trước. Với số tiền bán vàng trong vụ phố Tôn Đản, gã lùng mua được một khẩu súng ngắn. Tiếp đó, gã liên lạc với một số chiến hữu cũ, thành lập băng cướp liên tỉnh. Thời gian này, biết về vụ việc "chặt tay" ở Hà Nội, đám đàn em xăm tặng Thạch hình một tên đao phủ ở sau lưng và biệt hiệu "đao phủ" cũng xuất hiện từ đó. Băng cướp của Thạch "đao phủ" hoạt động suốt một dải miền núi phía Bắc, lộng hành ở các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang... "Con mồi" của băng cướp là những xe tải, xe khách đi lại trên các tuyến đường này. Thạch thường sai đàn em đứng trên núi cao, khi phát hiện có xe đi qua thì phát tín hiệu báo xuống. Ở phía dưới, băng cướp lao gỗ, đá để chặn đường. Khi các xe ô tô bắt buộc phải dừng lại, Thạch cùng đàn em ẩn nấp hai bên vệ đường lập tức ập vào khống chế. Thấy bọn cướp có cả dao và súng, lại vô cùng hung tợn, hầu như ít có hành khách cũng như lái xe nào dám chống cự. 

Băng cướp do Thạch cầm đầu hoạt động táo tợn suốt vài năm trời. Lợi dụng địa bàn núi non hiểm trở, lại liên tục thay đổi các tuyến đường để cướp, băng nhóm của Thạch đã nhiều lần trốn thoát sự truy bắt của các lực lượng chức năng. Tiền vàng cướp được, Thạch hầu như đổ hết vào bàn đèn thuốc phiện. Cho đến khi băng cướp bị xóa sổ năm 1982, Thạch đã nghiện ma túy cực nặng. Với những tội lỗi đã gây ra suốt hàng chục năm trời, Thạch phải trả giá bằng bản án 20 năm tù. 

Trả giá đến năm 1999, Thạch mới được tự do. Ngoài 40 tuổi, gối mỏi chân chùn nhưng ma túy vẫn chưa buông tha cho gã. Không thể tung hoành cướp bóc như trước, Thạch đành vừa là con nghiện vừa là người bán lẻ "hàng trắng" để thỏa mãn những cơn vật thuốc. Năm 2000, Thạch tiếp tục bị bắt và nhận tiếp 10 năm "bóc lịch". Án ma túy thường không được nhận sự ân xá, Thạch trở về xã hội năm 2010, tàn tạ như một miếng giẻ chùi chân. Không kiếm đâu ra tiền để hút hít, gã phải chuyển sang "chích" ma túy, mà đa phần là "ké cẩm" từ những con nghiện khác. Thời điểm này, cha gã đã mất, chỉ còn lại mẹ già. Biết Thạch rất khó có thể cai nghiện nhưng người mẹ bao dung vẫn dang tay đón gã vào lòng. Với đồng lương hưu hơn 2 triệu, bà nuôi "báo cô" đứa con nghiện ngập chưa phụng dưỡng được cha mẹ một ngày nào. Mỗi buổi chiều, Thạch "nghiện" lại ra ngồi vật vờ ở quán nước đầu ngõ, chờ bạn nghiện đến cho đi "chích" ké. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi sau cơn phê thuốc, Thạch thường tâm sự "Tội lỗi và ma túy đã khiến tôi sống không được, chết không xong. Chỉ thương mẹ tôi thân già còm cõi phải nuôi một thằng nghiện. Nếu được làm lại, dù cho điều đó là không thể, tôi sẽ nguyện làm người lương thiện".

T.H.N