Mỗi con người một số phận khác nhau cùng tồn tại trong xã hội, trong mỗi nét vẽ để tạo ra một bức tranh xã hội đó đều chứa đựng đầy đủ sắc thái sang - hèn, giàu - nghèo đủ cả. Chẳng phải ai cũng đủ may mắn để trưởng thành mà không bị những cú vấp ngã trong cuộc đời đầy bon chen, xô bồ này. Trong loạt bài viết bài này, xin không bàn về những con người lầm đường lạc lối bởi họ đã và đang phải trả giá cho hành vi phạm pháp của mình là những bản án nghiêm khắc của pháp luật. Điều người viết muốn truyền tải đó là nỗi lòng đau thương, sự hy sinh của những người làm cha mẹ có những đứa con lạc lối. Cũng mong những mảnh đời lạc lối soi chiếu lại những nỗi lòng của đấng sinh thành để tìm lại bản thân, quay về nẻo thiện, trả lại hiếu nghĩa cho cha mẹ...
Một sáng tác của Khánh Tùng
Đã gần một thập kỷ trôi qua, cuộc sinh tồn, trực tiếp là đôi bàn tay hắn gắn liền với những sợi chỉ. Sáng ngồi máy may, cầm xuốt chỉ, chiều vẫn vậy và tối về đôi bàn tay nó vẫn loay hoay, mân mê với những sợi chỉ đủ sắc màu. Mới nghe thì cảm giác như đang diễn tả tới một người thợ may. Và với sự thâm niên như vậy thì chắc hẳn đây có lẽ là một người thợ kỳ cựu và rất yêu nghề, nhưng thực sự thì không hẳn là như vậy. Hắn cũng chỉ vừa mới bước qua tuổi 30, công việc hiện tại và một thời gian dài nữa vẫn gắn liền với sợi chỉ là sự thật. Một sự thật bị bắt buộc như một mệnh lệnh, một yêu cầu phải thực hiện. Dù có lành nghề, có thâm niên, giỏi thật sự đi chăng nữa thì cũng chẳng ai công nhận hay cấp bằng khen, chứng chỉ cho hắn.
Công việc lao động này đến với hắn là một sự trả giá chứ không phải mang ý nghĩa mưu sinh. Cũng nhờ nó mà khoảng cách đi tới tự do của hắn sẽ được rút ngắn theo thời gian. Sự cần mẫn bên công việc gắn liền với sợi chỉ hàng ngày giúp hắn khỏa lấp những nỗi muộn phiền, quên đi vệt mây đen xám xịt cứ u uất, lẩn quẩn trong đầu hắn suốt bao năm nay. Vệt u uất ấy kéo đến từ một ngày giông bão vào 10 năm về trước, nó theo hắn, ám ảnh và nhấn chìm cuộc đời của hắn cho đến tận bây giờ vẫn chưa dừng lại, chưa kết thúc và tan biến.
Ngày ấy, hắn vừa nhận giấy báo nhập học của một trường đại học danh tiếng trên thủ đô. Niềm ao ước sau 12 năm mài đũng quần trên băng ghế nhà trường vẫn chưa đủ, vẫn phải nhẫn nhịn thêm một năm nữa thì ước mơ đó thành công. Một năm nằm nhà nuôi dưỡng giấc mơ và chờ đợi, đi đi về về miệt mài giữa làng quê và phố thị ở cái tuổi niên thiếu đang tràn đầy nhiệt huyết và sức sống. Bước chân đầu đời bỡ ngỡ, tự do ngoài vòng kiểm soát của gia đình mang lại cho hắn những trải nghiệm, khám phá mới mẻ trước dòng đời muôn hình vạn trạng.
Mọi thứ mới mẻ, lạ lẫm ấy chẳng hề đơn giản như hắn nhìn thấy. Phố thị phồn hoa, trước những ánh đèn màu san sát, những cửa hàng, cửa hiệu tràn ngập hình ảnh poster quảng cáo mời chào. Tất cả đã kích thích những ham muốn xa hoa, ẩn sau nó là đầy rẫy những bon chen, cạm bẫy mà cho tới tận sau này khi đã vấp vào rồi hắn mới hiểu ra được bản chất, sự thật trần trụi phía sau của nó. Và cũng chính lúc hiểu ra được thì cũng chính là lúc hắn phải trả giá. Một cái giá quá đắt, bằng cả tuổi thanh xuân nhiệt huyết, bằng gần cả cái kiếp người mà hắn chính là nhân vật đang lay lắt sinh tồn trong đó.
Ngày ấy, phải bắt đầu từ lúc hắn tình cờ gặp người con gái định mệnh trong một lần đang ngơ ngác như chú bê con lạc mẹ loay hoay kiếm tìm căn phòng trọ ở ghép giá rẻ dành cho sinh viên thuê. Dù sức học của hắn chẳng phải là yếu hay dốt nát gì so với đám bạn cùng trang lứa. Nhưng bởi cái ước mơ làm một nhà kiến trúc sư thời đó đang vừa là mốt, vừa là niềm mơ ước chung của bao nam thanh, nữ tú khắp mọi miền cả nước nên trong kỳ thi tuyển đại học, hắn bị đánh bật ra khỏi giấc mơ ấy. Một miếng bánh ngon mà có tới trăm người muốn thì chẳng chia đủ, tranh dành bằng mọi hình thức là điều không tránh khỏi. Ở cái lần đầu tiên này thì không đến lượt hắn.
Không cam chịu số phận quần quật với cái cánh đồng sớm tối, hắn tiếp tục về nhà học tập, mài dùi đèn sách cho kỳ thi tiếp theo, giấc mơ đổi đời. Kể cũng lạ, thời điểm đó thanh niên quê hắn đua nhau lên thủ đô ôn thi tạo thành một trào lưu thời thượng. Chỉ cần đến tuổi thì nhà nhà cho con đi học, người người đua nhau lên phố ôn thi. Thằng sức học tốt đi đã đành, đứa học ngang nghé con thả đồng lại càng phải đi ôn thi. Đứa lên phố vì ở quê sợ các thầy chẳng còn đủ chữ để dạy thành tài đã đành, ngay cả đứa thi tới 4 năm mới tốt nghiệp cấp 3 cũng kém miếng khó chịu. Nhiều đứa về nhà xin tiền, vác ba lô lên phố đèn sách cho bằng bạn, bằng bè.
Quê hắn, một thị trấn vùng ven nằm giữa con đường giao thương kết nối giữa cảng biển và cửa khẩu sầm uất phía Bắc đất nước, nhờ thế mà hầu hết nhà nào cũng có của ăn của để. Cái lẽ của cuộc sống, của xóm làng, láng giềng ngoài sự bao bọc, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, nghèo khó, tuy nhiên lúc đã phú quý có tiền, có của rồi thì nhà nào dòm nhà đấy, dòm hàng xóm và nảy sinh một sự ganh đua ngầm, ganh tị lẫn nhau. Chân lý của phú quý, giàu sang vốn chẳng muốn ai hơn mình. Bởi vậy, láng giềng bằng mặt nhưng chẳng thể bằng lòng. Đó cũng chính là một phần lý do tạo nên trào lưu lên phố đi thi. Dù biết con mình lực học có chẳng bằng ai, có cho đi thi thì mãi cũng chẳng nên cơm cháo gì. Mặc dù vậy, bố mẹ cũng cố cho nó đi ôn thi đại học trên thành phố, trên thủ đô cho bằng chúng bạn, bằng người ta. Ông bà, bố mẹ ở nhà thế nào cũng được nở mày, nở mặt với hàng xóm là con đi ôn thi đại học trên thành phố. Cứ kệ nó đi, dù chẳng biết trên đó con mình làm gì, ăn gì, học hành ra sao. Kệ kêt quả cuối cùng thế nào, miễn nó lên phố là sánh vai với láng giềng được rồi, thỏa chí ganh tị.
Cô gái của hắn, nói đúng ra là của tâm tư hắn là người tỉnh lẻ, chung mục đích, chung ước mơ. Trong cái xóm trọ của đám sinh viên làng cốm Vòng này thì một dãy nhà cấp bốn, trai gái lẫn lộn và đều là dân ngoại tỉnh. Nàng bằng tuổi hắn, cũng trượt giấc mơ đại học ở lần thi đầu tiên bởi thiếu 1 điểm và giờ đang ở ghép cùng mấy chị cùng quê đang theo học đại học trên này. Lò luyện thi tại khu vực này ngày đó là một trung tâm có uy tín nhất, bởi vậy, thu hút rất đông học sinh kéo về đây. Uy tín mang lại những dịch vụ xung quanh đắt hàng, cung chẳng đủ cầu kéo thêm vật giá tha hồ leo thang, thay đổi. Lần chạm mặt đầu tiên ấy làm con tim non nớt của hắn rung rinh, xao động. Để rồi đưa tới cái quyết định gia nhập xóm trọ ấy của hắn, dù số tiền bỏ ra có phần đắt đỏ hơn cái hạn mức cho phép mà gia đình chu cấp cho hàng tháng. Thanh niên mới lớn cần thích là bất chấp, dù sau đó có phải bóp mồm, bóp miệng.
Giờ thì ngoài mục đích thực hiện giấc mơ, hắn còn có thêm một khao khát được gần, chiêm ngưỡng, chiếm hữu cái khuôn mặt đẹp như một bức tranh ấy. Bức tranh làng quê mùa gặt bình yên ấy. Khi đã chung lối về, dẫu còn chỉ cách vách nhưng với hắn thế là vẫn chưa đủ. Đầu óc hắn lúc nào cũng mộng mờ, chìm trong ảo tưởng. Thiếu nữ mang tên một loài hoa biểu tượng nơi nàng sinh ra. Dường như cái nét thanh tú, đẹp lạ mà nàng sở hữu ấy cũng như sắc màu rực rõ của loài hoa đó. Trong thâm tâm, gắn yêu loài hoa đó, yêu cái sắc màu tô thắm những trưa hè oi ả trên đường làng quê hắn, bên sân trường rộn rã tiếng ve.
Sâu thẳm đâu đó trong ưu tư của hắn là chút buồn man mác, bởi đó là màu sắc mong đợi của đám học trò trước kỳ nghỉ hè. Đó là sắc màu của sự chia ly với đám học trò cuối cấp. Đằng sau, sâu thẳm trong đôi mắt của nàng lại ẩn chứa nét u sầu của sự chia ly. Những buổi trưa hè đứng đợi đầu ngõ ngóng bóng dáng nàng về, hay những buổi tối đứng đợi tận đầu đường chỉ đơn giản là sợ bóng tối làm nàng run rẩy. Hơn hết, hắn sợ đám thanh niên trêu đùa khi nàng đi học về. Cảm giác yêu phải là thế, nhấp nhổm, trông ngóng, lo đâu để rồi khi bóng dáng ấy trên chiếc xe đạp lướt qua khiến chân tay hắn run rẩy. Hắn chẳng dám lên tiếng, lóng ngóng, luống cuống chạy theo sau. Mọi hành động của hắn xuất phát từ suy nghĩ đi vào tiềm thức, đưa tới những hàng động bản năng của giống đực.
Hắn không nhận ra, cảm xúc trong người là một sự ngộ nhận do ảo tưởng, mong muốn có được sinh ra. Một cảm xúc chỉ tới từ phía hắn. Vào lúc đó, trong trái tim non nớt đập trong lồng ngực hắn nào đã hiểu được thế nào là yêu và được yêu. Mọi thứ chỉ là mộng tưởng của riêng hắn.
Cứ thế, hắn trở thành một cái đuôi đeo bám theo cô gái cùng xóm trọ hầu hết mọi lúc, mọi nơi. Bất cứ khi nào có cơ hội là hắn tìm cách tiến lại gần để bày tỏ nỗi lòng của một kẻ đang si tình. Tuy nhiên, mọi cố gắng của hắn đều vấp phải bức tường đá, trở nên vô vọng bởi cô gái đang khao khát một giấc mơ khác. Giấc mơ thay đổi cuộc đời mà tất nhiên ở trong đó hắn không thể có mặt. Ban đầu thì cách từ chối còn có chút tế nhị, khéo léo bởi cô gái nghĩ họ còn chung một ngõ, còn giáp mặt. Nhưng với cái cách tiếp cận, tấn công quyết liệt của hắn đẩy mọi việc đi theo chiều hướng xấu theo từng ngày. Hết từ chối khéo, phải nhờ tới cả sự trợ giúp của mọi người cùng xóm trọ, hắn vẫn trơ như đá. Và điều đó làm hắn cảm thấy bức bối, khó chịu.
Sự khó chịu ấy xuất phát từ nhiều yếu tố, nó cứ tích tụ lại dần trong cái đầu nóng của tuổi trẻ ở hắn. Nào là sự eo hẹp về đồng tiền mà bố mẹ chu cấp chẳng thể đủ cho đời sống sinh hoạt thường nhật chứ đừng nói là yêu. Lại cả cái ước mơ ban đầu khi bước chân lên phố thị đang dần bị chi phối, mờ nhạt bởi hình dáng nàng lấp đầy trong tâm trí, hiện hữu trong cả giấc mơ. Còn cả những điều mới lạ nơi phố phường và con người nơi đây mang lại, cái gì cũng tỏa ra sự dụ dỗ, kích thích cái ham muốn luôn tồn tại trong mỗi con người. Để rồi sự bức bối, dồn nén lên tới đỉnh điểm vào một buổi chiều mưa giông nơi con ngõ vắng ấy.
Chiều hôm đó, hắn đang bức bối vì lời từ chối của nàng khi hắn mời đi xem phim. Mà để có tiền mua cặp vé ấy, hắn đã phải đắn đo, tính toán mãi cho các khoản chi tiêu còn lại trong tháng. Mất tiền lại chẳng được việc, buồn đời, hắn đi mua chai rượu về giải sầu. Cùng người bạn chung phòng trọ nâng chén, nhưng khi tâm tư đang rối bời thì rượu vào nào có thể nguôi ngoai. Tưởng dùng men say sẽ giúp hắn quên đời, vơi đi chút nào những muộn phiền cứ luẩn quẩn, u uất trong đầu. Nhưng càng uống vào tâm trí hắn lại càng thêm bức bối, ấm ức vì bị người ta từ chối. Những suy nghĩ về tình yêu đơn phương cứ luân phiên đưa tới mà chẳng có giải pháp, men say đưa tâm trí hắn càng lúc càng chui vào ngõ cụt, không lối thoát.
Khi mây đen vần vũ kéo về làm tối mảng trời, những hạt mưa lớn như viên sỏi đua nhau đập lách tách trên mái nhà trọ ọp ẹp. Tiếng mái tôn ầm ĩ chống trọi như dồn nén trong đầu hắn sự lo lắng cho nàng, người ấy đi từ sáng chưa về. Mang theo ô, hắn chạy ra đầu ngõ đứng chờ như thói quen mới hình thành từ khi gặp nàng. Mặc cho những hạt mưa cùng giông gió táp thẳng vô mặt đau rát, đôi mắt hắn vẫn cố gắng mở to hướng về nơi nàng sẽ trở về. Cứ đứng vậy chẳng biết bao lâu, khi cơ thể đã đủ thấm lạnh bởi bộ quần áo sũng nước mưa, phía xa dáng nàng cũng đã xuất hiện. Đập vào mắt hắn là hình ảnh nàng ngồi sau chiếc xe máy dắt tiền, người rướn sát lên phía trên, quàng tay ốm chặt người phía trước. Họ nép vào nhau, nàng dựa vào như một con mèo con cần được sự che trở điều mà hắn luôn ao ước từ khi họ gặp nhau. Sự ngỡ ngàng cùng cảm giác như bị phản bội cùng lúc ùa về làm tim hắn đau nhói.
Rồi chính lúc đó, sự phẫn uất tích tụ sẵn trong đầu hắn như giọt nước tràn lu, theo men say trong người bùng nổ. Nhặt luôn viên gạch dưới đất, hắn lao vào đạp đổ chiếc xe đang rẽ vào trong ngõ. Khi cả hai người trên xe ngã xõng xoài xuống, hắn cứ thế cầm gạch đập vào phía trước, đập vào tất cả những hình ảnh hiện ra trước mặt hắn. Lúc đó, hắn muốn đập nát, phá tan tất cả chẳng từ cái khuôn mặt và hình dáng luôn hiện hữu trong hắn, ngay cả trong giấc mơ. Đập để thỏa mãn những u uất ẩn chứa, tích tụ bấy lâu nay trong con người hắn. U mê lấn át lý trí, hắn chẳng thể nhớ nổi hành động của hắn lúc nào thì dừng lại. Chỉ có duy nhất một hình ảnh cuối cùng trong mắt hắn mà đã cả chục năm trôi qua rồi, hình ảnh đó vẫn luôn xuất hiện trong những cơn mê hàng đêm. Hình ảnh hai khuôn mặt bất động, loang lổ vết máu thịt lẫn với những vệt rách nát từ chiếc áo mưa. Máu chảy ra hòa với dòng nước mưa loang đỏ cả một con ngõ. Hai khuôn mặt ấy, một trong đó là hình ảnh mà hắn luôn cất giấu trong tâm can, mọi lúc kể cả giấc mơ...
( Còn nữa ....)